Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Trái tim nhà giáo Nga (07/11/2020)

Với tôi, những con người của đất nước Nga có khi bình dị, chất phác như những cánh đồng lúa mì; có khi lại tinh tế, mặn mà và đầy hương thơm như những bông hoa linh lan; có khi lại phóng khoáng, mạnh mẽ như những chàng hiệp sĩ Nga trong bức tranh nổi tiếng “Ba anh hùng” của Viktor Vasnetsov; có lúc lại đẹp dịu dàng mà mênh mang, sâu lắng như trong kiệt tác “Mùa thu vàng” của Isaac Levitan vậy.

Năm 2006, tôi được cử sang Nga làm luận án tiến sĩ tại Viện Ngôn ngữ Nga Puskin. Trong thời gian này, tôi đã tham dự một cuộc hội thảo quốc tế về công tác giảng dạy tiếng Nga ngắn hạn được tổ chức ở Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN). Tại đây, tôi đã đưa ra những ý kiến của riêng mình về một phương pháp có chút khác biệt với các phương pháp truyền thống trước đây. Thật không ngờ, bài phát biểu của tôi lại dẫn đến nhiều tranh luận đến thế. Cả hội trường trở nên sôi động. Các đại biểu liên tiếp đưa cho tôi hàng loạt câu hỏi. Tôi cứ thế trả lời và dẫn chứng bằng thực tế giảng dạy của mình qua các khóa giảng dạy tiếng Nga cấp tốc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, bằng sự thấu hiểu vô cùng cho những khó khăn của các học viên quân sự Việt Nam khi học tiếng Nga để chuẩn bị đi học tập tại xứ sở bạch dương và mong mỏi giúp họ khắc phục được những khó khăn ấy.

Đặc biệt, trong số các đại biểu có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Tatiana Mikhailovna, Chủ nhiệm Khoa Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giảng dạy tại Trường Đại học RUDN. Tôi để ý bà đã lắng nghe rất chăm chú, đồng thời cũng đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi nhất. Sau khi kết thúc sự kiện, bà tiến về phía tôi và xúc động nói rằng mình rất thích bài phát biểu và những câu trả lời của tôi, muốn giúp tôi thực hiện những ý tưởng của mình trong giảng dạy tiếng Nga và sẵn lòng nhận tôi làm nghiên cứu sinh của bà. Phải nói rằng, lúc đó tôi như “nắng hạn gặp mưa rào”. Lý do là bởi tôi mới chỉ tìm được một giáo viên hướng dẫn ở trong nước mà chưa tìm được giáo viên hướng dẫn người Nga theo quy chế của Viện Ngôn ngữ Nga Puskin. Tôi vui mừng khôn xiết, nhưng cũng xen chút lo lắng bởi với những người học và dạy ngôn ngữ Nga, không ai không biết tới cái tên Tatiana Mikhailovna-một nhà giáo rất giỏi nhưng cực kỳ nghiêm khắc.

Trái tim nhà giáo Nga

Tác giả (bên phải) và Giáo sư Tatiana Mikhailovna.

Từ đó, tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau vài lần. Giáo sư Tatiana Mikhailovna hướng dẫn tôi viết bài rồi chỉnh sửa cẩn thận để gửi đăng các báo, tạp chí chuyên ngành ở Nga. Chúng tôi cùng thảo luận và thống nhất lại đề cương luận án. Khi biết ở Việt Nam, tôi còn có hai con nhỏ, bố mẹ già yếu nên tôi mong muốn hoàn thành và bảo vệ luận án thật nhanh để có thể về nước trước thời hạn, bà đã đốc thúc và chỉnh sửa bài cho tôi gần như từng ngày. Sau đó, bà còn bố trí cho tôi ngồi bên cạnh phòng làm việc của mình để chúng tôi có thể dễ dàng trao đổi hơn. Tôi còn nhớ, Giáo sư Tatiana Mikhailovna thường nhắc nhở tôi rằng, nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi con người phải vô cùng nghiêm túc và cẩn thận, đó là sự nỗ lực, vất vả tìm tòi trong khoa học để từ lý thuyết đưa vào ứng dụng thực tế. Bà còn nhấn mạnh rằng đừng nghĩ mình nói tiếng Nga tốt rồi mà chủ quan, bởi việc viết luận án tiến sĩ đòi hỏi phải sử dụng tốt ngôn ngữ viết chứ không phải là ngôn ngữ nói. Có lúc tôi cũng cảm thấy ấm ức khi cả chục trang bản thảo luận án của mình bị bà gạch đi và yêu cầu viết lại. Nhưng cuối cùng tôi cũng nghiêm túc kiểm điểm và làm lại rất cẩn thận.

Rồi có khi tôi thấy bà thật khó hiểu. Trước khi tôi bảo vệ cấp cơ sở, bà cùng tôi thảo luận về nội dung luận án hằng ngày và đặt ra cho tôi vô vàn câu hỏi hóc búa ở nhiều tình huống. Bà rèn tôi như một người lính sắp ra trận. Ấy vậy mà đúng trước ngày tôi bảo vệ thì bà lại báo rằng mình phải đi công tác. Lúc ấy tôi lo lắm, nhưng biết làm sao được khi sáng mai là lịch bảo vệ cấp cơ sở rồi. Tôi trở thành người kỵ sĩ đã lên ngựa và tuốt kiếm khỏi bao. Tôi tự nhủ: “Phải chiến đấu thôi!”. Hôm đó, tất cả nghiên cứu sinh bảo vệ cùng ngày với tôi đều có giáo viên hướng dẫn đi cùng, chỉ riêng tôi đến một mình. Nhưng chính vì biết rằng ở trong phòng bảo vệ sẽ không có ai “nói đỡ” cho mình cả, nên tôi đã xác định tự lực và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tôi báo cáo lưu loát, trả lời rành mạch tất cả câu hỏi của hội đồng khoa học. Trong 4 nghiên cứu sinh bảo vệ hôm ấy, có 2 người phải bảo vệ lại, còn tôi cùng một đồng nghiệp người Nga thì được hội đồng thông qua và thống nhất cho bảo vệ chính thức cấp nhà nước. Mọi người đều khen ngợi tôi, nhưng không ai biết rằng những thành công đó phần lớn nhờ vào công của Giáo sư Tatiana Mikhailovna đã kèm cặp cho tôi liên tục mấy tháng nay rồi. Sau này, bà nói rằng lúc đó bà muốn rèn cho tôi tính độc lập tư duy và tự lập trong giải quyết công việc.

Một lần khác, bà hẹn tôi 14 giờ chiều gặp nhau ở văn phòng khoa. Sáng hôm ấy, tôi lại có giờ học thực hành tiếng ở Viện Ngôn ngữ Nga Puskin. Khi đó, tôi cố gắng tham gia học hết buổi sáng ở viện rồi mới về. Trời mùa đông nước Nga lạnh tê cóng, tôi chỉ kịp về phòng ở mặc thêm áo ấm, ăn vội miếng bánh rồi rảo bước sang Trường Đại học RUDN. Tuy nhiên, khi tôi sang đến nơi thì đồng hồ đã điểm 14 giờ 30 phút. Giáo sư Tatiana Mikhailovna không mắng tôi câu nào. Bà nghiêm mặt đưa cho tôi tờ thời gian biểu và nói thêm rằng tự tôi đã “tiêu hết” thời gian dành cho tôi rồi; bây giờ đến lúc bà phải dành thời gian cho những người khác, nếu tôi muốn gặp bà thì phải chờ bà hướng dẫn xong cho những nghiên cứu sinh khác rồi cuối ngày nếu còn thời gian thì sẽ gặp tôi. Nói rồi bà cầm cặp dứt khoát đi lên giảng đường. Tôi đứng đó, lặng im, thấm thía. Tôi không thể quay về vì còn 30 trang bản thảo cần được chỉnh sửa. Nhưng đứng chờ bà thì tôi không biết phải chờ đến khi nào, bao giờ bà mới xong và quay trở về phòng làm việc đây. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn quyết tâm đợi bà. Đứng một mình ngoài hành lang, tôi đọc lại những trang bản thảo và bài báo mới viết. Một tiếng, 2 tiếng, rồi 3 tiếng trôi qua mà tôi vẫn chưa thấy cô giáo mình quay trở lại. Tôi đã thấy chùn chân và mỏi mắt...

Phải tới khoảng 18 giờ 30 phút, tôi mới nghe thấy tiếng bước chân của bà lên cầu thang. Nở nụ cười trên môi, Giáo sư Tatiana Mikhailovna chỉ tay ra hiệu bảo tôi cùng vào phòng. Sau này, khi tôi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, bà có nhắc lại chuyện bà đã cố tình để tôi chờ ngày hôm ấy và hỏi tôi có trách khi bà giáo dục tôi phải có ý thức về thời gian hẹn một cách nghiêm khắc. Tất nhiên là tôi không hề giận bà mà ngược lại tôi thầm cảm ơn bà vô cùng. Chính nhờ sự nghiêm khắc và cẩn thận nhưng chân tình ấy của bà mà tôi đã làm nên một điều kỳ diệu là nhanh chóng hoàn thành và bảo vệ thành công luận án trước thời hạn tới hai năm.

Về nước, tôi đã áp dụng những kiến thức đã được học ấy để giảng dạy cho rất nhiều khóa học viên quân sự của Việt Nam chuẩn bị đi học ở Nga tại Đoàn 871, Tổng cục Chính trị; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga...

Giờ đây, bà Tatiana Mikhailovna đang ốm nặng, phải nằm điều trị trong bệnh viện. Từ Hà Nội xa xôi, tôi luôn thầm mong bà sớm bình phục. Nhiều đêm, tôi mơ ước được ngồi uống trà và ăn bánh hạt hướng dương trong căn nhà nhỏ của bà, được bà chỉ cho xem những bức tranh thêu độc đáo của vùng Ivanovo, được nhìn lại đôi mắt nghiêm nghị nhưng chân tình của bà, được nắm đôi bàn tay ấm áp của bà và nói rằng những kỷ niệm và ký ức về bà sẽ mãi mãi trong trái tim tôi.

Với tôi, những kỷ niệm về nước Nga và con người Nga có lẽ không giấy bút nào có thể kể hết. Chắc chắn không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều thế hệ người con đất Việt đã từng sinh sống, học tập và làm việc trên mảnh đất với những rừng bạch dương ngút ngàn sẽ còn kể mãi về những ngày tháng không quên ấy.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LIÊN (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này