Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Đường về quê trước tết (15/02/2018)

- A lô, bố à, ngày mai chúng con về bà, bố có về không để chúng con đến đón.

- Có chứ, ngày mai bố về thăm bà và xem chuyện tết nhất ở nhà thế nào.

Thế là tôi bám càng cùng các con về thăm bà nội. Đã cận tết, đường mỗi lúc một đông, chỉ thấy người với người. Dòng người, dòng xe cộ tựa hồ như suối chảy, ai nấy đều hối hả vội và. Hai bên đường, cứ cách một đoạn lại có một chợ hoa, hoa thì ít mà đào quất thì bày la liệt, trên là trời dưới là đào và quất, sao mà lắm thế. Tết mà lại.

Xe bon bon trên đường về Từ Sơn, ngày trước còn là một thị trấn nhỏ, bây giờ đã thành thị xã. Thị xã Từ Sơn cách Hà Nội chỉ độ 17 cây số, nhưng ngày tết đông đúc nên cũng phải mất đến hơn một tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Xe qua cầu Chương Dương, qua Gia Lâm, qua cầu Đuống, qua Yên Viên rồi mới đến Từ Sơn. Sông Hồng năm nay không cạn vì mấy hôm nay các đập thủy điện xả nước để bà con nông dân có nước cấy vụ đông xuân. Sông Đuống là một nhánh rẽ của sông Hồng, rẽ nhánh hướng về Phả Lại – Lục đầu giang, nước đang cuồn cuộn chảy.

Trước kia Gia Lâm, đã xưa lắm còn thuộc tỉnh Bắc Ninh, gần đây là một huyện ngoại thành của Hà Nội, bây giờ được chia làm hai, một phần sát sông Hồng thì thành một quận, quận Long Biên, phần còn lại vẫn là huyện Gia Lâm. Qua cầu Đuống là sang đến đất Yên Viên. Tuy gọi là Yên Viên nhưng hồi chiến tranh chống Mỹ chẳng “yên” chút nào, bom Mỹ đánh phá ga xe lửa ở đây cực kỳ ác liệt, cả thị trấn tan hoang, không còn ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Bây giờ thì đã khác trước nhiều, thế nhưng dễ thấy là ở đây không có nhà cao tầng như bên Gia Lâm.Đường xá to hơn, rộng hơn, nhưng ga Yên Viên cũng chẳng khác trước là mấy.

Đi tiếp một đoạn nữa là hết địa phận Hà Nội và tiếp đến là địa phận tỉnh Bắc Ninh. Tiếp một đoạn nữa là tới chùa Dặn có tên chữ là chùa Ứng Tâm. Nhưng bây giờ người ta đều viết là chùa Dận, nay đến cả trang Wikipedia (bách khoa toàn thư mở) tiếng Việt cũng dùng từ này. Chả là đây là ngôi chùa mà bà Phạm thị đã sinh ra vua Lý Thái tổ - tức Lý Công Uẩn - người tạo dựng vương triều nhà Lý. Dặn là dặn đẻ vì bà sinh ra Lý Công Uẩn ở tam quan ngôi chùa này. Nói mãi thành quen, nghe mãi rồi cũng quen tai. Chùa này cách Đình Bảng chỉ độ nửa cây số. Cứ đến rằm tháng ba âm lịch là Đình Bảng lại tổ chức lễ hội đền Đô thờ tám vị vua nhà Lý. Nghe các cụ kể lại rằng trước kia Đình Bảng gọi là kẻ Báng, hay làng Báng vì trước đây đã lâu lắm rồi còn là khu rừng Báng. Hỏi cây báng nó thế nào thì các cụ cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Đình Bảng bây giờ trở thành một phường của thị xã Từ Sơn, ngoài làng cũ ra bây giờ có thêm mấy dãy phố, hình như tên là phố Mới hay Tân Lập gì đó mà tôi cũng chẳng nhớ. Vì sao tôi biết chút ít về Đình Bảng vì học phổ thông cấp 3 ở đây, hồi đó cả tỉnh Bắc ninh chỉ có vài trường cấp 3, ngày ngày cuốc bộ sáu bảy cây số đi học qua phố Từ Sơn, nghe thấy trống trường báo chuẩn bị vào lớp là cả bọn lại hò nhau chạy băng qua ruộng để đến trường đúng giờ, vì vào  muộn là được”mời” chờ ở ngoài cho đến hết tiết học!

Đình Bảng có ngôi đình độc đáo rất đẹp toàn bằng gỗ lim, đình to,nền kiểu nhà sàn lát gỗ cách mặt đất khoảng một mét chứ không lát đá hay gạch như ở các đình làng khác. Đình Bảng bây giờ cũng giống như bao làng quê khác là phố trong làng, nói thế bởi đường xá thì là ngõ ngoằn ngoèo ngày xưa, còn nhà thì toàn nhà gác hai ba tầng. Ngày trước  dân Đình Bảng nổi tiếng “tay nải gió đưa”, nói thế bởi họ rất thạo việc buôn bán, đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Nếu ai còn nhớ bài thơ “Lá Diêu Bông” của nhà thơ Hoàng Cầm thì không thể quên câu:

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm 
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng…..”

Đình Bảng có đền Đô - tên chính thức là đền Lý Bát Đế thờ tám vị vua nhà Lý, còn thờ bà Lý chiêu Hoàng có đền thờ riêng gọi là đền Rồng ở đầu phía nam của Đình Bảng, vì sao như thế thì được giải thích rằng vì bà đã nhường ngôi cho chồng để lập nên triều Trần.

Qua thị xã Từ Sơn, đến đầu phía bắc, rẽ trái qua đường tầu hỏa, đi độ hơn hai cây số là về đến nhà, làng tôi -Tam Sơn. Gọi là Tam Sơn vì làng có ba quả đồi, dân thì cứ gọi là núi: núi Chùa, núi Trường và núi Vường. Đây có lẽ là những giải núi đồi già cuối cùng của những mạch núi chạy từ Đông Triều – Quảng Ninh về. Đứng ở cổng chùa là nhìn thấy ngay núi Tiêu và chùa Tiêu, tương truyền rằng vua Lý Thái Tổ đã được nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy tu hành ở chùa này.

Gọi là núi Chùa vì trên đó có ngôi chùa cổ, trước năm 1972, đây là ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi, chùa rất đẹp,có tháp chuông cao nhất, chùa rộng tới hàng trăm gian nên cũng còn gọi là chùa Trăm gian. Nhưng cuối năm 1972 chùa bị máy bay B52 của Mỹ ném bom trong đợt không kích Hà Nội 12 ngày đêm nên đã phải trùng tu lại. Núi Trường dài hơn cả hay còn gọi là núi Giữa vì năm giữa hai quả đồi trên. Bây giờ núi Giữa bị bạt đi để xây dựng công viên Ngô Gia Tự, một trong những người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đây rồi xóm Xanh - xóm nhà tôi. Qua khu nhà lưu niệm ông Ngô Gia Tự là đến nhà tôi. Bọn trẻ phải để xe ở đầu xóm vì sợ vướng đường. Bây giờ làng làm đồ gỗ nên tiếng cưa đục suốt ngày, bụi mù, đường ngõ thì hẹp lại còn bày ra bao nhiêu là gỗ tấm nên xe vào rất khó.

- Chúng cháu chào bà ạ.

- Chúng cháu chào cụ ạ.

- Con chào mẹ, mẹ đã cơm nước gì chưa?

- Đã về đấy ư con?

Hôm ấy trời lạnh, cụ nằm trong chăn, các cháu các chắt thì ngồi xung quanh nói bao nhiêu chuyện Tết nhất, biếu bà thứ này, biếu cụ thứ kia, nhà nhộn nhịp hẳn lên. Tuy chưa phải ngày Tết nhưng các cháu đã sắm cho bà đủ thứ, bà móm mém cười vui vẻ. Bọn trẻ không quên thắp hương lễ bái tổ tiên và mang vàng mã đi tảo mộ.

- Thế cháu phải gọi thế nào hả ông?

- Cụ này ông gọi là ông thì cháu phải gọi là gì nhỉ?

- Phải gọi là kỵ ông nhỉ?

- Thế còn bố của ông thì  cháu gọi thế nào?

- Phải gọi là cụ ạ.

- Đúng rồi, cháu ông giỏi đó.

Những làn khói hương bay lên trên mộ, những ngọn lửa hồng đốt vàng mã ấm hồng trong tiết trời lạnh lẽo,những lời cầu nguyện của hậu thế...khi trời đã ngả về chiều. Chiều giáp tết, chiều đi tảo mộ trước khi chào bà, chào cụ,cả nhà bọn trẻ  lại trở về Hà Nội vì chưa được nghỉ Tết. TV nhà bên đường vang lên lời ca quen thuộc:

“Làng Quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh
Làng Quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ
Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao, người ơi
Nón quai thao nói gì người ơi…”

Hà Nội,11.2.2018 (26 Tết) NKV.

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này