Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Cảm nhận về nước Mỹ Kỳ 4: Tới miền Tây nước Mỹ (phần cuối) (27/07/2016)

Để đến được Nam California, xe chúng tôi phải chạy trên xa lộ băng ngang qua sa mạc Nevada rộng lớn khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ và có nghỉ giữa chặng tại thị trấn Bastow. Nơi đây chắc vẫn còn có mưa tuy không thường xuyên nên cũng không đến nỗi cát trắng như nhiều sa mạc khác ở châu Phi. Mấy trăm cây số mà có nhiều đoạn đến 60-70 cây số không có dân cư sinh sống, hai bên đường chỉ có đất cát bạc màu và các loại cây xương rồng còi cọc lúp xúp xa khuất tận chân trời tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ. Xa lộ phía trước luôn thu mình giữa sa mạc mông mênh trông như sợi chỉ đen mỏng manh uốn lượn. Trên sa mạc thuộc vùng giáp danh giữa hai tiểu bang Nevada và California chúng tôi nhìn thấy cả nhà máy điện năng lượng mặt trời Ivanpah lớn nhất thế giới sáng chói giữa vùng đất khô cằn. Nghe nói nhà máy này mỗi năm sản xuất được gần 400 megawatt điện và trong cấu tạo có khoảng 350.000 tấm thu năng lượng trải dài trên diện tích 14,2 km2. Len lỏi giữa các thung lũng là từng đoàn tàu hỏa chở hàng hóa dài đến hơn 1km đến từ Los Angeles, Nam California, là nguồn cung cấp mọi nhu yếu phẩm, hàng hóa và dịch vụ cho thành phố Las Vegas nằm giữa sa mạc.  

Đường xa lộ luôn có làn ưu tiên dành cho xe có từ 2 người trở lên nên xe chúng tôi chạy rất thoáng bởi trên đường phần lớn là xe cá nhân chỉ có một người lái. Đất nước khuyến khích đi ô tô riêng nên xe và xăng đều rẻ (chỉ có 2,6 USD 1 galon 4 lít). Điều này dễ hiểu vì nước Mỹ quá rộng lớn và thật khó khăn khi chính quyền tổ chức xe bus hay tàu hỏa công cộng chở khách cho mọi đối tượng dân chúng. Có được „thành tích” ấy chẳng biết do thu nhập của người dân cao hay nhà nước bù lỗ xăng hay các hãng bán xe muốn bán ở Mỹ bị ép hạ giá xuống mức thấp nhất? Dù sao đây cũng là thuận lợi cho dân và góp phần hình thành nên nét „văn hóa xe hơi Mỹ”.

Điểm đến California đầu tiên của chúng tôi là Little Saigon tại Quận Cam - nơi ước tính có khoảng 350 ngàn người Việt sinh sống và kinh doanh và là điểm giao lưu văn hóa – tình cảm người Việt nơi đây. Thương xá Phước Lộc Thọ, đường Bolsa, thành phố Westminster...những địa danh được nghe và xem nhiều qua băng đĩa Thúy Nga Paris là nơi chúng tôi dừng chân để nghỉ ngơi và ăn chiều. Nơi đây chẳng khác gì chợ Bến thành thu nhỏ, cũng có những quầy hàng hàng ăn, những quầy bán đồ vặt các loại, và đặc biệt người Việt nói giọng Nam bộ là chủ yếu. Các hàng quán ẩm thực Bắc Trung Nam đủ cả, thực phẩm ở đây tương đối rẻ và phong phú so với thu nhập tiêu chuẩn Mỹ. Và chỉ sau vài chục phút lượn lờ chúng tôi đã chọn ra được nhà hàng Quang Trung đối diện thương xá Phước Lộc Thọ phù hợp nhất với khẩu vị của đa số thành viên trong đoàn và sẽ mách lại để những lần sau đoàn khác tới đây đều ghé nhà hàng này dùng bữa.

Nghe nói đều là những người có tiền mới có thể mua nhà và sinh sống ở đây vì California khí hậu ấm áp tương đối phù hợp với những người đến từ xứ nhiệt đới nhưng nơi đây nhà cửa rất đắt đỏ (nhà vườn khoảng từ 500000 USD trở lên), chi phí thuê nhà cũng cao chỉ sau New York và San Francisco. Những người bán hàng, quán ăn ở đây cũng chẳng khác gì trong chợ Sapa tại Praha, cũng lam lũ vất vả, chăm chỉ và hiếu khách như nhau. Người miền Nam gặp chúng tôi toàn là dân Bắc - Việt kiều châu Âu thì cũng bình thường chẳng tỏ thái độ gì đặc biệt nhưng cũng không xởi lởi trước những lời thăm hỏi.

Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những người Việt là người Bắc di cư thì rất nhiệt tình và vui chuyện hơn. Họ thường là con em những người quê Ninh Bình, Nam Định di cư vào Nam theo Chúa những năm 1954-1956 rồi qua Mỹ từ Sài Gòn sau năm 1975. Dân Việt di tản cũng rất nhớ quê hương, xứ sở. Gắn bó với nước Mỹ nhưng họ vẫn không quên mình có gốc rễ cội nguồn từ đâu. Dù sang đây đã từ lâu, sinh sống theo kiểu Mỹ, nhưng họ năng đến với Little Saigon để có thể cảm nhận chút gì đó rất Việt Nam mà họ luôn nâng niu gìn giữ trong tâm thức. Cội nguồn thiết thực của họ giờ là những món ăn quê hương thưởng thức tại các nhà hàng hay nấu trong gia đình từ những thực phẩm mua ở nơi đây.

Những tháng hè tại Little Saigon vào chiều tối thứ sáu, bảy và chủ nhật có hội chợ quê tại sân trước của thương xá Phước Lộc Thọ. Có rất nhiều Việt ở khắp nơi tụ họp về đây gặp gỡ nhau, mua sắm hàng hóa hay chỉ đơn giản là xem ca nhạc Việt nghiệp dư, thư giãn, gặp những người đồng hương nơi đất khách quê người. Tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng trò chuyện hòa quyện với mùi thức ăn của các gian hàng ẩm thực homemade (các gia đình tự nấu, làm và bày bán) tạo nên một không khí rộn ràng rất Việt làm những người cũng bôn ba kiếm sống nơi trời Âu như chúng tôi cảm thấy quê hương rất gần gũi ngay đây.

Khí hậu nơi đây rất dễ chịu, buổi sáng mát lạnh như ở châu Âu lại ở gần ngay biển nên cũng không bị ảnh hưởng bởi sự khô hanh của sa mạc. Tuy nhiên sự bốc hơi nước là rất lớn trong khi mưa không nhiều nên nhiều con kênh đào và sông ở quận Cam này được cải tạo hay xây mới đều đổ bê tông cả hai bên bờ và lòng sông, chắc để hạn chế tối đa sự thấm nước đến những nơi không cần thiết. Một việc kỳ công và phải rất nhiều tiền mới có thể xây được những con sông rạch bằng bê tông như vậy và nó cho thấy sức mạnh của nước Mỹ trong việc nhìn nhận, đầu tư vào cải tạo thiên nhiên phục vụ tối đa cho cuộc sống con người và phát triển nông nghiệp.

Ngày thứ hai tại Cali chúng tôi đến thăm Los Angeles - theo tiếng Tây Ban Nha là thành phố của các Thiên Thần và được mệnh danh là thủ phủ của miền Tây Hoa kỳ. Thành phố Los Angeles cùng với Hollywood tạo nên một đại thành phố  được coi là Thủ đô điện ảnh của thế giới. Xe dừng trên Đại Lộ Danh Vọng - “được khai sinh” từ năm 1958 tại Hollywood, là nơi các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới được vinh danh trên những viên đá hồng có hình ngôi sao hồng 5 cánh xếp trên dọc 2 bên hè của đại lộ. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, có người còn nằm xoài ra trước những ngôi sao trông rất player...Sau đó chúng tôi đến nhà hát Kodak, nơi diễn ra lễ trao giải Oscar vào tháng 2 hàng năm và thăm thú các cửa hàng tràn ngập quanh đấy. Buổi trưa chúng tôi dừng chân ăn trưa tại nhà hàng Bufet hải sản quốc tế tự chọn có chất lượng bậc nhất tại Hoa Kỳ ngay trong trung tâm Hollywood. Giá theo như những đoàn trước dùng là 13 USD thôi mà có tôm hùm to cả kg, tôm đất đỏ au, tôm thẻ chân trắng, cua Alaska, nghêu, cá hồi, hàu tươi ,cơm rang, mỳ bánh trái theo phong cách Nhật bản, Trung quốc và Brazil....Tổng cộng có cả đến cả trăm món ăn đúng là quá rẻ, ngon và hợp khẩu vị nên mọi người ăn rất nhiệt tình. Ra thanh toán mới biết hôm ấy là quốc khánh Mỹ giá ngày Lễ gấp đôi, thảo nào phòng ăn vài trăm chỗ khách cũng chỉ ngồi hết một góc. Tuy vậy ai cũng vui vì đâu dễ nếm được những món đặc sản đó tại xứ sở không có biển ít đồ hải sản như Séc.

Buổi chiều chúng tôi ra bãi biển Long Beach, ghé qua thăm khu Đại Hí Viện nơi hay có các show thu hình của Thúy Nga Paris. Nắng to, gió lớn, bãi biển cũng rộng nhưng người thưa thớt, có lẽ do hôm nay mát trời nên ít khách tắm. Nước cũng lạnh nên chỉ có vài người trong đoàn bơi qua loa cho biết vậy thôi. Dọc bờ biển Nam Cali có nhiều bãi tắm, song chỉ là dành cho dân địa phương chứ không phải là các bãi biển tầm cỡ quốc tế, tuy không đẹp và hiện đại bằng nhiều nơi nhưng nó sạch sẽ và giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Cấu trúc đô thị biển của Long Beach cũng hài hòa với thiên nhiên và các ngôi nhà nhìn ra biển ngay ngắn đẹp mắt xen với các công trình hiện đại thoáng mát. Chúng tôi thầm mong những bãi biển quê mình sẽ có được bộ mặt tương tự như Long Beach trong tương lai. Buổi tối trước khi về khách sạn chúng tôi lại ghé Little Saigon để ăn chiều và mua đồ tại siêu thị Á Đông. Rau, trái cây  như xoài, mít, chôm chôm, đu đủ, ngô, khoai, mỳ, khổ qua...rất nhiều đầy các kệ. Hàng tươi roi rói mà giá cả rẻ chỉ khoảng phần mấy  ở châu Âu nên người nào cũng mua và mong mang được một chút về để làm quà. Nguồn trái cây đến từ nhiều nước, nhưng phần rau quả lớn ở bán ở siêu thị này là đến từ Mexico bên cạnh hay Nam Mỹ.

Ngày hôm sau đoàn đến thăm phim trường Universal Studios – Hollywood – Kinh đô điện ảnh thế giới, nơi Hollywood thực hiện nhiều bộ phim trứ danh và là nơi mà du khách có thể say sưa trong khung cảnh của các bộ phim 3D, 4D nổi tiếng mới nhất của hãng Universal. Khu phim trường từ năm  2014 đã được mở rộng đáng kể với nhiều khu giải trí đặc sắc đáp ứng được lòng hiếu kỳ của các du khách. Chúng tôi đã trải qua một ngày ở đây với hành trình đầu tiên bằng tàu điện bánh hơi qua các khu của phim trường nơi có các cảnh diễn của nhiều bộ phim, trải nghiệm cảm giác khi ở trong rừng của phim Công Viên Kỷ Jura, Hàm cá mập hay các cảnh nước lũ cuốn, động đất trong nhà ga, trong rừng, phi cơ trong các phim The big one, King kong, Transfomer...

Đến phim trường Hollywood thì chúng tôi mới biết rằng các hãng phát hành phim của Mỹ quá lãi vì nhiều kỹ xảo và cảnh quay độc đáo được thực hiện ngay tại đây chứ các diễn viên và đạo diễn không cần đi đâu quá xa và vất vả chọn cảnh. Sau đó mọi người tự túc chọn cho mình các các show diễn phù hợp hay đi xem các phim đang thịnh hành như Hary Poter, Transfomer...trong các khu khác nhau của phim trường.

Và tại đây chúng tôi cũng có thể chụp ảnh cùng các nhân vật được hóa trang như những diễn viên nổi tiếng như Marilyn Monroe , Clark Gable…hay các nhân vật trong phim xác ướp, cướp biển, ma cà rồng, người dơi, người nhện, shrek... và khám phá, tận hưởng các trò hấp dẫn, mạo hiểm của khu phim trường mà trước đây chỉ xem qua phim ảnh.

Rất nhiều nơi chúng tôi chưa được thưởng thức và tham quan bởi thời gian có hạn mà dòng người xếp hàng chờ có chỗ lên đến hàng giờ đồng hồ.

Có đến tận nơi mới cảm nhận được sự thần kỳ của thế giới phim ảnh và sự sáng tạo vô bờ bến của con người. Những thành phố chỉ có một mặt tường phía ngoài, những quang cảnh nhân tạo khó ai có thể phân biệt thật giả...tất cả đã góp nên thành công của những thước phim nổi tiếng thế giới đã ra đời ở đây. Với giá vé vào đắt đỏ nhưng sự cống hiến của những người làm các show diễn trong phim trường nơi đây rất đáng ghi nhận, đáng đồng tiền bỏ ra bởi có ở trong đó cả ngày cũng không bao giờ hết những thứ hấp dẫn đáng để ta xem và khâm phục về trình độ làm việc, sức mạnh công nghệ và cách thức kiếm tiền chuyên nghiệp của các doanh nhân Mỹ.

Chương trình ngày cuối tại Nam Cali là tham quan đồi quý tộc Beverly Hills với 40 ngôi biệt thự sang trọng của các ngôi sao màn bạc và âm nhạc nổi tiếng nhất như Michel Jackson, Julie Roberts...Đường phố thoáng đãng với các hàng cây thấp xanh mát, chỗ khác là những hàng cọ cao tắp làm tôn lên vẻ đẹp nhiệt đới của con phố mà vẫn không làm khuất hình ảnh những ngôi biệt thự đẹp như trong phim trải dọc hai bên con đường. Đẹp một cách sâu lắng, không phô trương lòe loẹt làm cho người xem như chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật thanh bình và không còn ước gì hơn nữa một mái nhà như vậy để trở về sau những vất vả của ngày làm việc. Chúng tôi dừng chân tại công viên để chụp hình kỷ niệm với biểu tượng của Đồi Quý Tộc Beverly Hills. Nghe nói Osin (người giúp việc) cho các gia đình quý tộc hay các Sao giàu có khu này cũng phải có bằng cấp Thạc sỹ với năng khiếu về âm nhạc - hội họa hay thể thao và thu nhập của họ cũng đến hàng trăm ngàn đôla một năm.

Downtown của thành phố Los Angeles không có nhiều nhà chọc trời như ở New York nhưng cũng đủ các công trình hiện đại, các cao ốc văn phòng và các hãng nhà băng lớn. Đặc biệt ấn tượng là Cung âm nhạc với lối kiến trúc „xiên xẹo ngả nghiêng” và cấu trúc vật liệu bên ngoài làm bằng các tấm thép Inox lớn ghép lại. Nghe nói công trình hiện đại này đã giành giải kiến trúc độc đáo của Cali khi khánh thành cách đây gần chục năm. Sau đó chúng tôi còn ghé qua thăm thị trấn biển Santa Monica cách Hollywood 20 phút chạy xe trước khi ra sân bay kết thúc chuyến đi.

 Quay trở về với nơi mình đang sống và gắn bó vài chục năm nay mọi người đều có chung tâm trạng là chuyến đi này hình như quá ngắn rồi, những thứ khám phá được rất lôi cuốn, rất hấp dẫn làm ta muốn hòa mình vào đó. Chắng trách khi đoàn đi hơn bốn chục người quay về chỉ vẻn vẹn 26 thôi bởi một số gia đình đã ở lại thêm để thăm bà con họ hàng hay bạn bè. Số khác nghe ngóng để tìm cơ hội cho con cái du học hoặc chuyển hướng kinh doanh đến mảnh đất nhiều cơ hội và thách thức này.

Nước Mỹ đã xa rồi, không biết khi nào chúng tôi mới có dịp trở lại nhưng những ấn tượng sâu sắc về nước Mỹ sẽ còn mãi trong chúng tôi. Kỳ thực trong chuyến đi này chúng tôi mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nhìn phớt qua bề mặt bên ngoài của 5 tiểu bang trong số 45 tiểu bang của nước Mỹ. Còn nhiều địa danh hấp dẫn và nổi tiếng khác đang chờ đón như San Francisco với cầu Cổng vàng màu đỏ, Chicago hiện đại bên hồ Michigan là thủ phủ của người Séc, Slovakia và Balan di dân thế kỷ trước, thành phố vịnh biển Miami, Florida đẹp ngất ngây hay thác nước vó ngựa Niagara hùng vỹ trên biên giới với Ontario, Canada…Thôi đành hẹn cơ hội khác trong tương lai.

Những hiểu biết thông qua chuyến đi chưa biểu đạt cho điều gì lớn lao nhưng chúng tôi đều có chung cảm nhận và sự khâm phục về một nhà nước liên bang mới có tròn 239 năm lịch sử mà đã vươn lên thành cường quốc thế giới cách đây cả trăm năm. Tận mắt nhìn thấy những thành quả ấy chúng tôi lại càng thêm kính trọng sự tài giỏi của các thế hệ lãnh đạo nước Mỹ, sự nhìn xa trông rộng, biết tập hợp và thu hút tài năng từ khắp nơi, để thống nhất và duy trì được một xã hội đa dạng về chủng tộc và sắc tộc, đưa nước Mỹ lên vị trí siêu cường như ngày hôm nay cho dù vẫn còn nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết.

Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Praha từ nước Mỹ sống động ồn ào mà có cảm giác như từ tỉnh về quê. Nhưng trong cơn sốc đó chúng tôi vẫn kịp tỉnh táo mà cùng nhau ngâm câu thơ Việt rằng „Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn !“.

Vâng, nước Séc – quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt – nơi chúng tôi sinh sống và làm ăn nhiều năm đã trở nên quá đỗi gắn bó và thân thiết. Đi đâu cũng nhớ chỉ muốn quay về. Du lịch là du lịch thôi!

Sự thành công của chuyến đi này không thể không kể đến công sức và sự nhiệt tình của TS Vương Quang – người chuyên thiết kế các hành trình du lịch xa xôi và hấp dẫn cho cộng đồng người Việt. Anh đã giúp chúng tôi từ những bước kỹ thuật đầu tiên khi đi làm viza đến khi hoàn tất chuyến đi.

Anh đã sống và học hành ở Séc và cả Mỹ vài chục năm nay. Từ năm 1998 đặt chân đến Hoa Kỳ anh đã nhận biết được cái hay, sự phong phú của riêng nước Mỹ nên khi đó anh mong ước ngày nào đó có thể đưa cộng đồng người Việt ở Séc và châu Âu tới thăm và khám phá nước Mỹ hoặc đơn giản chỉ là „đi một ngày đàng – học một sàng khôn“. Mong ước vậy nhưng phải tới 12 năm sau khi có điều kiện thuận lợi từ phía Bộ ngoại giao Mỹ anh mới thực hiện được chuyến du lịch đầu tiên vào năm 2010 sang Mỹ cho bà con đồng hương xa xứ ở trời Âu này. Là người ham mê khám phá thế giới cùng nhiều kinh nghiệm đi lại quốc tế, anh là người Việt nam đầu tiên tại Séc đã tự tin tổ chức được 12 chuyến đến Mỹ. Ngoài ra anh cũng tư vấn và đưa khá nhiều các học sinh, sinh viên từ Séc sang học hành tại Mỹ theo dạng học tiếng Anh mùa hè, du học cấp 3 hay học đại học, thạc sỹ.

Từ năm nay, công ty của anh đã phát triển thêm các tuyến mới tới những nơi khác mà người Việt ở châu Âu ít được tới như Caribe và Cuba, sắp tới là đi du lịch Úc và Canada.

Praha, tháng 7 năm 2016

Mai Lan

Độc giả có thể tham khảo chương trình du lịch nước Mỹ 12 ngày tại trang mạng: www.quangusa.com

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này