Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
“Chợ không phiên” trên đất Séc (23/02/2015)

Mẹ sinh tôi ở chính vùng đất mà xa xưa Tổ Mẫu Âu Cơ đưa 50 người con lên rừng sinh cơ lập nghiệp, lưu lại ở trang Hiền Lương dạy dân lập ấp, khai mương cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, đổi trao sản vật... Bởi thế, nên từ nhỏ chân đất, đầu trần, quần nâu áo xẻ tà lon ton theo ra chợ Hiền, mẹ lót tay mấy chiếc kẹo vừng, kẹo bột gói lá chuối khô đúc túi vạt mà lòng dạ ngọt ngào suốt tuổi thơ tôi tới tận bây giờ...

Chợ Hiền họp theo phiên ngày 5, ngày 10 âm lịch hàng tháng. Chẳng rõ ai khởi lập chợ từ đời nảo đời nao, chỉ biết nay tuổi đã 75, kể từ khi mở mắt chào đời thì chợ Hiền đã có, và đến nay chợ vẫn họp vào những ngày chẵn lẻ như thế. Khác chăng là không còn cảnh lều tranh mái siêu, hàng hóa sơ sài; ngày Tết không còn thấy cảnh thầy đồ nằm bò trên chiếu manh viết câu đối nữa. Đổi lại, chợ phiên phố Hiền đông đúc, sầm uất. Xe lớn xe nhỏ từ tỉnh lỵ về, từ Hà Nội lên đổ hàng tạp hóa, gia dụng rồi cất hàng nông sản, cá tôm, rau củ quả... nườm nượp về xuôi.

Lớn lên, đi khắp miền vùng đất nước, đâu đâu cũng thấy chợ phiên. Chợ như một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của văn hóa Việt, nhất là vùng núi cao, đất rộng người thưa như Mèo Vạc, Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Chợ nơi đây không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn là ngày hội để mỗi người giao lưu, gặp gỡ tâm giao, sẻ chia niềm vui nỗi buồn, để hẹn hò, nâng niu vun vỗ tình yêu, nỗi nhớ theo về... Chợ phiên còn đậm sâu ngay cả đất thành đô Hà Nội như chợ Bưởi bán cây cảnh, họp chính vào ngày 4 và 9 theo âm lịch. Chợ phiên Văn Giang (Hưng Yên) họp vào ngày 7 và 9, người ta đổ về chợ mua bán con giống, nhất là lợn con. Rồi chợ hoa ngày Tết. Chợ phiên cố định theo thứ trong tuần. Chợ trời đó đây... nét văn hóa đẹp bị pha tạp mà người Việt quen đổ lỗi cho cơ chế thị trường, nhộn nhạo với vô vàn tên bóng, tên lóng: Chợ Cóc, chợ Vồ, chợ Ghé, chợ Tạm, chợ Chạy, chợ Bưng, chợ Trời... Chợ Đêm, chợ Sáng, chợ Chiều... tràn lấn lên mặt đường hệt như chợ Long Phú (Đồng Nai)... cản trở giao thông lâu nay!...

Đến với đất trời Âu, cảm giác chợ phiên về nét xưa, cảnh nay khơi gợi tôi để tâm nhìn nhận, so đo bên Tây bên Ta. Thì ra trên đất bạn, Cộng hòa Séc đang xây dựng xã hội văn minh cũng có chợ phiên, tuy không nhiều, nhưng cũng là nét văn hóa riêng biệt. Chợ phiên ở Séc thường họp theo miền vùng, theo mùa vụ với những ngày cụ thể, địa điểm cụ thể được thông báo rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng chợ phiên cũng diễn ra ngay cả ở ngoại ô thủ đô Praha mà báo chí Việt Nam đã từng nói đến. Đó là chợ bên bờ sông ở New Town. Hàng hóa chủ yếu là nông phẩm cùng các hàng thủ công, gốm sứ... Đấy còn là khu chợ phiên của những người nông dân như chợ Farmers markets chuyên bán những nông phẩm do nông dân trong vùng sản xuất ra như rau, củ quả, hải sản tươi sống, pho mát, xúc xích, thịt nguội và các loại bánh trái do họ làm ra... Khác hẳn bên ta là chợ phiên cũng như chợ trời việc bày bán đều được sắp đặt rất ngăn nắp, vệ sinh, theo khu, theo quầy, theo lô; không tùy tiện lộn xộn hàng ăn uống xen lẫn với hàng sống. Càng không có cảnh hàng thịt xả bán trên phản, mà tất cả đều được đóng gói sạch sẽ, tinh tươm... Tuy nhiên, chợ phiên và chợ trời chỉ là nét chấm phá trên đất Séc, ít lưu dấu ấn và tựa như không được khích lệ...

Và với riêng tôi - cách gọi của tôi - ấy là sự thịnh hành của "Chợ không phiên" do đông đảo cộng đồng người Việt tạo nên trên đất Séc. Nếu như những năm 90 của thế kỷ trước, những người Việt có mặt sớm tại Séc từ những năm còn gọi là Tiệp Khắc thì họ thường mở cửa hàng cửa hiệu buôn bán ở các vùng ven biên giới với Đức, sau nữa là các trung tâm thương mại được xây dựng để bán buôn bán lẻ với quy mô lớn từ thủ đô Praha đến các tỉnh lỵ, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Người ta nói với nhau một cách thẳng thắn rằng trên nước Séc này, hễ ở đâu có người Việt Nam sinh sống là ở đó có chợ, là trung tâm buôn bán mọc lên. Hơn nữa, giờ đây cứ làng quê nào của Séc có từ 200 hộ gia đình trở lên thì nơi đó thế nào cũng có người Việt tìm đến để mở cửa hàng cửa hiệu. Người ta cũng nói với tôi rằng, những vùng hẻo lánh như thế, thông thường người Việt không phải thuê cửa hàng mà thường được chính quyền địa phương ưu đãi cho mượn địa điểm lâu dài để bán hàng cho dân. Cho nên, tới đâu trên đất Séc dù thủ đô, thành phố, thị trấn lớn nhỏ và làng quê đều thấy cửa hàng cửa hiệu của người Việt, giống như các cửa hàng "Cung tiêu" của các hợp tác xã nông nghiệp trước đây ở Việt Nam, có tính bền vững hơn, khách hàng cũng ổn định hơn và lòng tin của người bán với người mua được hình thành như một nét văn hóa đẹp. Người ta ước tính ở Séc hiện nay đã có tới trên 3.000 cửa hàng cửa hiệu của người Việt mở cửa bán hàng từ mờ sáng cho tới tối ngày. Người Séc bản địa coi họ là những nhà nội trợ tích cực, sát thực và hữu ích nhất với đời sống hằng ngày của người dân. Họ được báo chí truyền thông mệnh danh là các công ty gia đình, kinh doanh chủ yếu thực phẩm và tạp hóa, được gọi là "vecerka" không ngừng mở mang, chiếm lĩnh dần cả những điểm mà trước đó các thương gia từng phá sản.

Ưu thế để họ làm nên và thậm chí thành đạt lớn ở dạng "Chợ không phiên" này nguồn lạch căn bản là ở đức tính chăm chỉ, biết tìm nguồn hàng đáp ứng kịp thời thị hiếu, và thời điểm người tiêu dùng cần đến. Hơn nữa, người Việt thường được xem là có duyên bán hàng. Họ thân gần, mặn mà với khách. Biết cách giữ chân khách với cửa hàng của mình. Nhiều khi cửa hàng đóng cửa theo giờ, nhưng khách quen cần thì họ vẫn được chủ hàng đáp ứng... Thật khó quên về sự tin yêu nhau, giúp đỡ nhau của các gia đình người Việt để giữ khách hàng. Gia đình anh chị Hiếu - Tâm ở Mikulasovice, tỉnh Usti có cửa hiệu thực phẩm và tạp hóa như một siêu thị hạng trung, khi có việc cả hai vợ chồng phải về Việt Nam hàng tháng trời, thì vợ chồng anh chị Bùi Thanh Tú và Nguyễn Thị Hồng Thanh ở thị trấn Cheb, tỉnh Karlovy Vary phải chia nhau về tận Usti bán hàng giúp bạn. Tương tự, các "vecerka" của anh chị Phương - Chuyên, Kha - Hải, Văn Mạnh, Hải - Dung cũng đỡ đần nhau như vậy để khách tới mua hàng không bị lỡ làng... Tôi cũng từng chứng kiến, dù gió mưa, sương giá thì vợ chồng anh chị Thanh - Tú vẫn dậy từ 5 giờ sáng, lên xe đi 30 cây số để tới cửa hiệu, sắp đặt hàng cho kịp giờ mở cửa đón khách. Vợ chồng anh chị Nguyễn Anh Thắng và Đinh Thị Thu ở thành phố Karlovy Vary dậy từ 5 giờ sáng dọn hàng, rồi đứng bán cho tới 20 giờ đêm mới đóng cửa. Anh chị Dũng - Nga ở thành phố Hranice, chị là chủ cửa hàng tổng hợp 2 tầng rộng tới 800m2 ngay trung tâm thành phố, chồng là chủ cửa hàng thực phẩm lúc nào cũng đông đúc khách... Hỏi về sự trung thành của khách với nhà hàng, cửa hiệu thì ai ai cũng một nhời: Phải trung thực. Sống chân thật. Đừng để đồng tiền làm mờ mắt và xóa phẩm giá của mình! Cửa hàng cửa hiệu với biển hiệu là thương hiệu, là bộ mặt của cả gia đình, là danh gia của người Việt. Cho nên để khách nhớ nhà hàng thì hàng bán ra phải có xuất xứ, giá cả hợp lý. Không bán hàng hóa quá thời hạn. Và tuyệt đối không được bán hàng cấm. Nghĩa là phải trọng luật pháp và những quy định thành văn của nhà nước sở tại. Chỉ như thế mới bền vững; chỉ như thế chỗ đứng và hội nhập mới bền sâu!

Đem nét đẹp về "Chợ không phiên" của người Việt trên đất Séc đang ngày một mở mang này, tôi nói với Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Du lịch ASIA DRAGON.BAZAR nửa thật, nửa vui: Cảnh tình này, liệu thế đứng của trung tâm có bền lâu? Anh cười, giọng chan chan: - Đi từ trung tâm văn minh kiốt chợ trời sang trung tâm thương mại là một bước tiến dài. Chính sách của Nhà nước Séc rất nhất quán, không phân biệt đối xử và luôn tạo điều kiện. Với lại trung tâm thương mại như nơi tôi và các nơi khác cũng là "kho" tiếp nhận nguồn hàng để phân phối cho các cửa hàng cửa hiệu mà nhà báo bảo đó là "Chợ không phiên", những người nội trợ đảm đang, chuyên cần và có trách nhiệm nhất với người tiêu dùng trên đất Séc!

Bài, ảnh: Nguyễn Uyển (HNM)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này