Thủ tướng Viktor Orban của Hungary tuyên bố Nga sẽ không bao giờ chấp nhận một thành viên NATO như Ukraine ở ngay trước cửa nhà mình.
Ukraine phải là 'vùng đệm' - Thủ tướng Viktor Orban nói. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT (Nga), Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, quyết định địa chính trị tốt nhất của Ukraine sẽ là trở thành một “vùng đệm” giữa Nga và phương Tây, theo những thỏa thuận được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh trong tương lai của đất nước.
Ông Orban đưa ra nhận xét này khi tranh luận với cựu Thủ tướng Áo Wolfgang Schussel, với những đoạn trích từ cuộc trao đổi được nhật báo Vienna Die Presse đăng tải.
Thủ tướng Orban không đồng tình với quan điểm của ông Schussel rằng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết nếu việc bắt đầu ngay các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU và NATO trùng với thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn.
“Dù chúng ta có thích hay không, dù người Ukraine có thích hay không, Ukraine vẫn có trên bản đồ vị trí của nó. Viễn cảnh tốt nhất cho việc này là hình thành một vùng đệm giữa Nga và phương Tây – tất nhiên là với sự đảm bảo về an ninh” – lãnh đạo Hungary nói.
Nếu không, theo Thủ tướng Orban, “Ukraine sẽ mất đất” và “người Nga sẽ hủy diệt Ukraine hết lần này đến lần khác”. Ông nhấn mạnh rằng Moskva sẽ "không bao giờ chấp nhận một thành viên EU và NATO như Ukraine ngay trước cửa nhà mình".
Ông Orban bác bỏ tuyên bố của các quan chức ở Brussels và Kiev rằng Ukraine đang “bảo vệ” châu Âu. Ông nói: “Ukraine không mang lại cho người châu Âu sự đảm bảo an ninh bổ sung nào vì hầu hết chúng tôi đã là thành viên của NATO, tổ chức này mạnh hơn Nga rất nhiều”. Đồng thời ông nói thêm rằng “không có nguy cơ” Nga có thể tấn công một thành viên của khối.
Ông Orban cũng bác bỏ lập luận của cựu Thủ tướng Schussel rằng lệnh ngừng bắn có nghĩa là Ukraine trên thực tế sẽ thất bại, nói rằng điều này phụ thuộc vào cách mỗi người nhìn nhận tương lai vì Kiev có thể mất thêm lãnh thổ.
Theo Thủ tướng Hungary, EU cũng không có khả năng cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí và tiền bạc, đồng thời nói thêm rằng công dân của khối này “không hài lòng vì chính phủ của họ ngày càng hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho Ukraine”.
Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO mở rộng không kiểm soát về phía biên giới của nước này sau khi Liên Xô sụp đổ, trong đó Tổng thống Vladimir Putin cho rằng việc Ukraine thúc đẩy gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dầu là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Vào tháng 12/2021, vài tuần trước khi bắt đầu chiến sự, Moskva đã đệ trình một dự thảo bảo đảm an ninh cho Mỹ và NATO, yêu cầu phương Tây cấm Kiev gia nhập khối quân sự và rút lui về biên giới của nước này kể từ năm 1997, nhưng đã bị từ chối.
Các nhà lãnh đạo EU đã ký kết gói viện trợ khổng lồ kéo dài 4 năm cho Ukraine vào đầu tháng này, sau khi Thủ tướng Hungary dỡ bỏ quyền phủ quyết để đổi lấy một số nhượng bộ nhỏ từ 26 quốc gia thành viên khác của khối. Những nhượng bộ này bao gồm một cuộc tranh luận thường niên về việc thực hiện gói viện trợ và cam kết sẽ xem xét lại tác động của nó đối với ngân sách EU sau hai năm.
Trước khi gói này được phê duyệt, tờ Financial Times đưa tin rằng Hội đồng châu Âu đã vạch ra kế hoạch cắt tài trợ cho Budapest và gây khó khăn cho nền kinh tế Hungary nếu Budapest duy trì quyền phủ quyết.
Viktor Orban và các quan chức của ông đã nhiều lần lập luận rằng Ukraine không thể hy vọng đánh bại Nga trên chiến trường, và các lệnh trừng phạt chống Nga của EU đã gây tổn hại cho khối này nhiều hơn là làm tổn thương Moskva. Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này, ông Orban cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phục vụ lợi ích của Washington hơn là lợi ích của chính mình bằng cách cấp tiền cho Kiev.
Thu Hằng/Báo Tin tức
|