Những đứa trẻ xúng xính áo dài, guốc mộc nô đùa ở cổng Brandenburg (Berlin - Đức) dịp Tết Việt là hình ảnh đáng yêu đến mức không có mỹ từ nào để tả hết.
Những ngày này, nhiệt độ trời Âu đang ở mức 5-6 độ C. Không đến nỗi đông cứng nhưng với một người mũi tẹt, da vàng lại thêm cái mũi xoang như tôi, cái lạnh đủ xé toạc mọi ý tưởng ngao du nhân dịp Tết Việt đang "nhảy số" trong đầu.
Nhưng tất cả những điều ấy cũng chẳng hề gì so với cái lạnh đang xâm chiếm trong lòng. Lại một năm nữa, chẵn chục năm, tôi chưa được về nhà.
Tôi nhớ những cái tất bật bếp núc từ ngày đưa ông Táo về trời. Tôi yêu cái khoảnh khắc quét dọn ngày cuối năm. Mùi cỏ khô ám khói làm mắt cay xè nhưng lại ấm áp đến lạ kỳ.
Có lẽ, ở xứ này, nước Đức xa xôi, không ít người như tôi. Một chút cô đơn vào những ngày giáp Tết. Nhưng cũng may, nhiều người giống mình thì mọi thứ lại ổn hơn.
Khung cảnh chợ Sapa ở Cộng hòa Czech trước thềm Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Quỳnh Chi
Chợ xuân ở xứ lạ cũng náo nhiệt với đủ đầy những món hàng mang dấu ấn quê hương - đào, quất, tắc, mai…, những món trang trí Tết trên nón lá, nón quai thao, quạt giấy…, những câu liễn chúc tết nhiều may mắn… Không thiếu thứ gì! Tất cả làm nên một không khí Tết rất Việt Nam và những người như tôi cũng thấy ấm lòng.
Trong hội nhóm những người ở Đức, những ngày này náo nhiệt hơn hẳn với câu hỏi quen mà rộn ràng: "Các chị/ mẹ chuẩn bị Tết đến đâu rồi?". Rồi mỗi người lại chia sẻ một bí kíp làm mứt này, thức ăn nọ.
Mọi người đều mong nhà nhà có một cái Tết thật trọn vẹn. Đoàn viên có thể chưa tròn nhưng chắc chắn không thể bỏ qua những thời khắc quan trọng để nói lời cầu chúc nhau một năm mới bình an.
Chợ Đồng Xuân (ở Berlin - Đức), chợ Sapa (Cộng hòa Czech) tấp nập người Việt qua lại. Bán buôn và chuyện trò. Mọi người dù xa lạ vẫn gắn kết với nhau bằng những ký ức, những nỗi nhớ quê nhà.
Nhưng có lẽ, điều đặc biệt kết nối tất cả những người đang trông ngóng tết ở xứ lạ này là khát vọng "Mang Tết về cho con". Đây không phải là một dự án, càng không phải là một chiến dịch gì cả. Nó đơn thuần chỉ là khát vọng cho những đứa trẻ sinh ra ở xứ lạ biết được không khí Tết cổ truyền của người Việt như thế nào.
Hơn hết, bằng một cách gần gũi và thân thuộc nhất, những bà mẹ đều mong con mình hiểu và thêm yêu nét văn hóa đẹp đẽ của quê cha đất tổ. Dù có ở đâu trên trái đất này, ở một nơi hoàn toàn khác lạ với nền văn hóa nước nhà thì sự lưu truyền văn hóa Việt bằng việc tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa như lễ Tết cổ truyền là điều tối quan trọng.
Mẹ Việt dạy các con phong tục ngày Tết. Ảnh: Facebook
Mâm cỗ ngày Tết của một gia đình người Việt ở Đức. Ảnh: Facebook
Xa xứ, hẳn ai cũng mang nỗi niềm nhớ nhung quê nhà, đặc biệt trong những thời khắc chuyển giao sang năm mới. Tôi thích Tết! Và có lẽ vì là người phụ nữ truyền thống nên những gì thuộc về Tết cổ xưa tôi lại càng thêm yêu mến và thích thú.
Tôi thấy yêu đời hơn khi nhìn thấy những tà áo dài xanh đỏ tím vàng tung tăng ở những góc phố Berlin. Những đứa trẻ xúng xính áo dài, guốc mộc nô đùa ở cổng Brandenburg đáng yêu đến mức không có mỹ từ nào để tả hết.
Người lớn ít nhiều đã được tận hưởng những cái Tết quê nhà êm đềm và đẹp đẽ, nên những đứa trẻ xa xứ lại càng xứng đáng có được một tuổi thơ đẹp thắm đượm nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Cùng con trang trí nhà cửa, nào đào, nào mai, cùng gói bánh chưng, cùng gói nem, nặn cá ngày đưa Táo quân về trời… Mong rằng khi các con lớn lên, những khoảnh khắc chuẩn bị Tết này sẽ trở thành nền tảng để dẫn lối các con về với quê hương, nguồn cội.
Không chỉ riêng tôi mà bất cứ bà mẹ nào cũng mong mang đến cho con mình những điều tuyệt vời. Với những bà mẹ Việt, đó là truyền cho con những nét đẹp trong phong tục Việt.
QUỲNH CHI (Từ Berlin - Đức)/NLĐO
|