Khi những cánh đào nở, trời đất bắt đầu vào xuân, ở Việt Nam mọi người rộn ràng đón Tết nguyên đán thì những người con xa quê vẫn tiếp tục lăn lộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày nơi xứ người với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Mặc dù không được đón Tết cổ truyền theo đúng nghĩa nhưng cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nói chung và người Vĩnh Phúc ở nước ngoài nói riêng vẫn cố gắng duy trì và giữ gìn phong tục đón Tết theo truyền thống của người Việt và tổ chức các hoạt động tình nghĩa hướng về quê hương.

Chị Trần Thị Phương Thảo, nguyên quán thành phố Vĩnh Yên đã định cư tại Séc 35 năm nay và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Phúc tại Cộng hòa Séc cho biết: “Có lẽ vì sống xa quê hương và cũng là để vơi đi nỗi nhớ nhà mà bà con người Việt ở đây ai cũng cố gắng sắm sửa một cái Tết thật tươm tất, chu đáo. Cho dù thời gian đón Tết cổ truyền của những người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người Việt tại Séc khá ngắn ngủi, phần lớn chỉ nghỉ duy nhất ngày mùng một Tết, nhưng với chúng tôi, đó là ngày thật đặc biệt và ý nghĩa. Dù ở xa quê hương nhưng chúng tôi vô cùng trân trọng và gìn giữ những phong tục Tết Việt với niềm tự hào, tự tôn dân tộc”.
Các gia đình người Việt ở Séc nhà nào cũng có bàn thờ, mâm ngũ quả, con gà trống, bánh chưng xanh, dưa hành, giò chả - những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết cổ truyền. Thậm chí để có được con gà trống cúng đêm giao thừa, các chủ cửa hàng kinh doanh ở đây còn đặt gà nuôi riêng từ các địa phương của Séc để có được những con gà trống trọng lượng giống như ở Việt Nam. Vào ngày Tết ông Công, ông Táo, gia đình nào cũng mua cá chép để thả. Ngày 30 làm mâm cơm tất niên cúng gia tiên, sau đó cả gia đình, anh em bạn bè quây quần, sum họp, cùng nhau chờ đón năm mới - chị Phương Thảo cho biết.
Phan Hiền Quyên - một cô gái Vĩnh Yên hiện đang theo học chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại thủ đô Paris, Pháp xúc động chia sẻ: “Nước Pháp từ lâu đã là một điểm đến mơ ước với nhiều người, nhất là với một người có xuất phát điểm là học sinh chuyên Pháp tại trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Mình chọn Pháp là điểm đến vì mình muốn khám phá và trải nghiệm văn hoá, đời sống của Pháp, những thứ mà trước đây mình chỉ được học, đọc qua sách vở. Đây là năm thứ 2 mình ăn tết xa quê. Mỗi dịp xuân về tết đến, chỉ được gọi điện về nhà tận hưởng không khí đón tết từ xa, quả thật thấy rất tủi thân, nhớ nhà. Tuy nhiên, mình và bạn bè cố gắng gặp nhau, tổ chức nấu những bữa cơm truyền thống như khi mình vẫn còn ở nhà. Chúng mình rủ nhau đi chợ đồ châu Á sắm tết. Bên này cũng có khá đầy đủ mọi thứ giống như ở quê, chẳng hạn như bánh chưng bánh tét, giò chả, măng khô, phồng tôm… thậm chí còn có cả đào, quất (mặc dù chỉ là cành hay cây con). Các hội nhóm như hội sinh viên người Việt tại Pháp, hay hội Tôn vinh văn hoá Việt có tổ chức các chương trình đón Tết cho đồng bào Việt Nam tại đây (không chỉ ăn uống mà có cả các tiết mục văn nghệ). Tham gia những chương trình này, mọi người được sống trong không khí Tết đầm ấm bên những người đồng hương”.
Tại thành phố Gimhae, tỉnh Gyeongsang Nam, Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Phú, quê ở huyện Sông Lô hiện đang làm quản lý cho một công ty con của tập đoàn LG Hàn Quốc cho biết: “Thông thường, trước kỳ nghỉ Tết, những người Việt đang sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc liên hệ với nhau để lên kế hoạch chuẩn bị hội họp dịp năm mới. Thường là lựa chọn nhà của một ai đó rồi cùng nhau gói hoặc mua bánh chưng, làm mứt, dưa hành. Một con gà với cỗ xôi để thờ cúng, mâm ngũ quả, thêm cặp bánh chưng là món không thể thiếu trong ngày này. Mặc dù công việc bận rộn và kỳ nghỉ Tết ở Hàn Quốc chỉ vẻn vẹn 3 ngày nhưng cộng đồng người Việt Nam ở đây đều cùng chung một niềm háo hức tổ chức ăn Tết, hướng về gia đình và quê hương, đất nước”.
Sau mấy năm gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển do dịch Covid-19, gia đình anh đã có dịp đoàn tụ tại Hàn Quốc năm 2021 và dịp nghỉ lễ tết dương lịch 2023 vừa qua, anh Phú cũng đã tranh thủ về Việt Nam thăm gia đình được ba ngày nhưng dịp Tết nguyên đán năm nay vì lý do công việc nên anh lại tiếp tục đón một cái tết nơi xứ người.
Dẫu bộn bề công việc và lối sống nơi xứ lạ có nhiều đổi thay nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Vĩnh Phúc ở nước ngoài nói riêng vẫn cố gắng giữ gìn và quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc đến với các thế hệ sau và bạn bè quốc tế.
Nguyễn Thơm (vinhphuc)
|