Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Người Việt ở EU và TG
Người Việt 300 ngày ở điểm nóng Ukaine: Ra đường chỉ sợ sẽ không quay về (26/12/2022)

Những ngày đầu chiến sự, con trai anh Tuấn đứng ở vị trí cửa ngõ của thành phố khi quân đội Nga tiến vào Kharkov. Nghe tin bom đạn, tên lửa liên tục rơi xuống, lòng người cha như lửa đốt.

Anh Trịnh Anh Tuấn (SN 1968) là một trong số ít những người Việt chưa di tản khỏi Ukraine từ khi chiến sự nổ ra.

Tỉnh Kharkov nơi anh Tuấn đang sinh sống giáp biên giới Nga. Đây được xem là vùng có tầm quan trọng chiến lược, đóng vai trò là cửa ngõ phía Đông của Ukraine. Chính vì vậy, ngay từ những ngày cuối tháng 2, thành phố này đã bị quân đội Nga bao vây ở 3 phía và bị xe tăng, máy bay, pháo binh liên tục nã đạn.

Lực lượng Ukraine đã phải tiến hành nhiều cuộc phản công để ngăn chặn đà tiến công, đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi vùng ngoại ô thành phố, đồng thời tái chiếm nhiều ngôi làng từng bị thiêu rụi.

Có nhà và cửa hàng ở trong thành phố "điểm nóng", trực tiếp cảm nhận được sự rung lắc và sức ép từ mỗi lần bom, tên lửa nổ tung, nhưng anh Tuấn cùng vợ và hai con vẫn bám trụ lại đây suốt hơn 300 ngày qua.

Người đàn ông này cho biết: "Chẳng ai muốn sống giữa bom đạn trong cảnh nguy hiểm bủa vây. Nhưng chúng tôi ở lại là vì có lý do".

"Không phải chúng tôi có "gan trời", không sợ bom đạn, thương vong"

Anh Tuấn sinh ra ở một miền quê thuộc tỉnh Hải Dương rồi sang Nga học tập năm 1994. Năm 1995, anh chuyển tới Ukraine sinh sống, lập nghiệp và nên duyên cùng chị Yana - người Ukraine. Cũng như bao người Việt sinh sống tại Kharkov, anh cùng vợ mở cửa hàng buôn bán quần áo. Cuộc sống êm đềm trôi đi cho đến ngày 24/2 vừa qua.

Cuộc sống của anh Tuấn và vợ từng rất yên bình trước khi chiến sự nổ ra.

Buổi sáng hôm ấy, anh Tuấn dậy sớm để chuẩn bị ra chợ. Tuy nhiên, tiếng nổ lớn liên tiếp vang lên trên bầu trời khiến anh cảm thấy có điều gì đó bất ổn.

Dẫu vậy, trước khi rời khỏi nhà di chuyển đến khu chợ cách đó 10km, anh vẫn cố gắng trấn an vợ "đó chỉ là tiếng của những chiếc xe đang đi thu gom thùng rác ngoài đường".

Trên đường đi anh Tuấn còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy xe cộ lao đi các ngả rất đông. Tất cả các cây xăng đều kẹt cứng. Đến chợ, nhiều chủ hàng cũng đã có mặt nhưng chẳng ai còn tâm trí buôn bán.

Trống ngực đập thình thịch, chân tay ai cũng bủn rủn khi liên tiếp nghe thấy tiếng nổ lớn. Những màn khói trắng trên không trung liên tục xuất hiện. Chuông điện thoại, tin nhắn của anh Tuấn vang lên liên hồi. Hết người này đến người kia hỏi anh: "Tình hình thế nào rồi?", "Chợ mình có sao không?"…

"Khoảng cách từ thành phố Kharkov đến Belgorod (Nga) không xa, chỉ chừng 50km nên chúng tôi nghe rõ mọi tiếng nổ. Đất ở đây rộng, tầm nhìn không bị hạn chế nên càng cảm nhận rõ sự bắn phá. Nếu di chuyển với tốc độ của ô tô thì chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Quân đội Nga khi đó phá chốt của khu vực hải quan để tiến vào Kharkov nên bắn phá rất dữ dội", anh Tuấn nhớ lại.

Nhiệt độ ngoài trời xuống sâu, cộng với sự hỗn loạn khiến anh Tuấn cứ run lên bần bật. Khi đã hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh liền lao về nhà để tránh trú, đề phòng bất trắc. Ban quản lý chợ cũng khuyên mọi người nên về nhà để đảm bảo an toàn, bộ phận bảo vệ sẽ túc trực, cập nhật thông tin tại chợ.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, không còn ai có tâm trạng nghĩ đến hàng hóa nữa. Nhiều người dân Ukraine và cộng đồng người Việt sinh sống tại đây lần lượt tìm cách tháo chạy.

Theo anh Tuấn, khi đó, xe của quân đội Nga đã kéo vào những vùng giáp biên giới nên nhiều người càng hoảng loạn rời đi. Người dân chạy loạn càng đông, gia đình anh càng hoang mang.

Khu chợ nơi anh Tuấn làm việc may mắn chưa chịu thiệt hại, nhưng nhiều khu chợ trong thành phố Kharkov đã bị bắn phá tan tành.

Người đàn ông 54 tuổi chia sẻ: "Lúc ấy, tâm lý ai cũng muốn được đi đến nơi an toàn vì không ai biết cuộc chiến sẽ như thế nào, kéo dài bao lâu. Tôi từng đọc tin tức về cuộc sống khổ cực ở một số vùng xảy ra chiến sự trên thế giới trước đó nên càng lo lắng, lo nhất là cho vợ và con gái năm nay mới 12 tuổi. Tôi bàn với vợ hai phương án: Một là sẽ đi cả nhà. Hai là ở lại thì ở lại cả nhà, chứ không thể bỏ nhau trong lúc này.

Cuối cùng chúng tôi quyết định không rời đi bởi con trai tôi lúc ấy đang công tác trong lực lượng an ninh. Tùy từng điều kiện mà mỗi gia đình đưa ra quyết định phù hợp chứ không phải chúng tôi có "gan trời", không sợ bom đạn, thương vong mà ở lại".

Khi con trai tham gia nơi tuyến đầu

Con trai anh Tuấn năm nay 22 tuổi, chỉ mới nhận công tác tại lực lượng an ninh của thành phố Kharkov một thời gian ngắn thì chiến sự nổ ra. Công việc của chàng trai khác hẳn thời bình khi phải tăng cường cùng quân đội Ukraine thực hiện các nhiệm vụ.

Vậy nên, mỗi lần con trai đi làm, vợ chồng anh Tuấn vô cùng lo lắng. Đặc biệt trong những ngày đầu nổ ra chiến sự, họ luôn ở trong trạng thái đứng ngồi không yên.

Anh Tuấn kể: "Khi ấy, cháu đứng ở vị trí cửa ngõ của thành phố khi quân đội Nga tiến vào Kharkov. Bom đạn thì liên tục rơi xuống. Mỗi lần nghe có tiếng nổ hay có vụ bắn phá nào là tôi lại nhắn tin cho con. Khi nào con trả lời tin nhắn thì mới thở phào nhẹ nhõm.

Không riêng gì tôi mà tất cả những bậc làm cha, làm mẹ nào có con đang phục vụ trong chiến trường hoặc túc trực ở nơi xảy ra bắn phá đều lo lắng như thế và cố gắng kết nối với người thân trong điều kiện nhanh nhất có thể".

Gia đình anh Tuấn sống ở tầng 1 của một tòa chung cư. Sát cạnh tòa nhà của anh là một tòa nhà cao tầng khác. "Nếu căn từ phía Nga bắn sang thì ít nhất tòa của tôi còn được che chắn bởi tòa chung cư bên cạnh. Điều này cũng giúp tôi an tâm phần nào khi ở lại", anh Tuấn nói.

Đã hơn 9 tháng kể từ khi giao tranh xảy ra. Nhìn lại, anh Tuấn bảo thời gian đầu với anh vẫn là khó khăn nhất. Những ngày ấy, con trai anh đi làm trong điều kiện nguy hiểm. Hai vợ chồng và con gái út ở nhà. Bom đạn bắn ầm ầm suốt cả ngày. Còi báo động vang lên liên tục. Điện thường xuyên bị cắt, giờ giới nghiêm đi lại khó khăn. Ra đường là nơm nớp lo sợ bom đạn, tên lửa.

Mỗi lần nghe chuông báo động, ôm con gái chạy xuống hầm, dù rất vội nhưng anh vẫn cố nghĩ ra câu gì đó vui đùa, để con không tập trung vào vụ nổ hay lo sợ mà ảnh hưởng đến tâm lý sau này.

Xác định bản thân là trụ cột nên anh Tuấn luôn giấu mọi cảm xúc vào trong. Anh tâm sự: "Tôi nghĩ, mình chỉ cần bộc lộ sự hoảng loạn, sợ hãi thì cả đoàn tàu sau mình sẽ bị hoang mang theo. Khi đã xác định ở lại, tôi phải cố gắng từng ngày để thích ứng với cuộc sống trong lòng chiến sự".

Ám ảnh cuộc tấn công bằng tên lửa, xác người chết cháy trên đường

Theo anh Tuấn, có thời điểm ngày nào các khu chợ, trường học, bệnh viện, các tòa nhà chung cư tại Kharkov cũng bị tấn công. Có những trận ác liệt, các địa điểm tấn công hứng chịu từ 10-20 quả tên lửa.

Ròng rã nhiều ngày liền. Tuy nhiên, tỉnh trưởng luôn chỉ đạo khắc phục và dọn dẹp một cách nhanh nhất các đống đổ nát để người dân không bị ám ảnh bởi thiệt hại và cảnh tượng hoang tàn.

Thời gian đầu, anh Tuấn và vợ con luôn cảm nhận thấy tiếng bom, đạn, tên lửa rất gần mình khi cửa kính căn hộ cứ rung liên hồi, mặt đất rung chuyển hay hơi ép phần phật vào lồng ngực khi đang đi trên đường. Thậm chí, có lần anh Tuấn đã chứng kiến một vụ nổ thảm khốc sát cạnh khu chợ nơi anh đang buôn bán. Nhắc lại buổi trưa ngày 17/3 ấy, người đàn ông này vẫn chưa thôi ám ảnh.

Anh kể: "Hai vợ chồng tôi đang ngồi trong cửa hàng thì nghe tiếng nổ cực lớn. Chúng tôi vội vã đóng cửa hàng chạy ra lấy ô tô rời đi. Di chuyển ra ngoài, chúng tôi mới biết, điểm hứng chịu đợt tấn công bằng tên lửa là bến xe công cộng gần chợ. Khi ấy, chúng tôi không về nhà ngay vì còn phải đi tìm một đồng hương người Việt nữa là cô Đỗ Thị Bao".

Khung cảnh xung quanh vô cùng hỗn loạn, dòng người ngược xuôi. Tiếng la hét, khóc lóc bao trùm. Trên đường, xác người chết cháy nằm bên cạnh những người bị thương đang thoi thóp… Cảnh tượng ấy, khiến anh Tuấn và vợ vô cùng hoảng sợ.

Gọi điện thoại cho bà Bao không được, đến quầy hàng không thấy người đâu, vợ chồng anh Tuấn đành liều mình tỏa đi tìm, trong lòng thầm cầu nguyện người đồng hương bình an vô sự. Cuối cùng, họ tìm được bà Bao dưới khu tàu điện ngầm. Cả ba ôm chầm lấy nhau rồi vội vã rời khỏi vùng nguy hiểm.

Hơn 9 tháng qua, anh Tuấn bảo mình vẫn cố gắng duy trì cuộc sống sinh hoạt một cách bình thường nhất có thể. Nghe ngóng tình hình từng ngày, thấy không quá nguy hiểm, anh vẫn ra chợ, ra cửa hàng.

Thời gian đầu, những người địa phương nhìn thấy anh thì vô cùng ngạc nhiên bởi xung quanh người Việt đã đi hết. Các cửa hàng đều cửa đóng then cài. Anh Tuấn bảo: "Thời điểm ấy, tôi ra ngoài không chỉ để lo công việc cho tôi mà còn hỗ trợ nhiều đồng hương người Việt khác. Rất nhiều người đi tị nạn rồi nhưng vẫn gọi điện nhờ tôi ra chợ chuyển hàng về chung cư, về nhà hoặc giúp họ nhận các đơn hàng đã đặt từ trước hoặc đến kiểm tra xem hàng hóa có bị trúng tên lửa hay không. Nhiều khi đến nơi thấy chợ cháy xơ xác mà xót xa. Bao nhiêu tài sản coi như mất trắng".

Từ khoảng tháng 4 trở đi, anh Tuấn mở cửa hàng đều đặn hơn. Tuy vậy, các giao dịch diễn ra lẻ tẻ. Lượng khách mua lẻ không nhiều. Thi thoảng, anh Tuấn mới nhận được một vài đơn đổ buôn cho khách đường dài. Anh sẽ tiếp họ trực tiếp hoặc đóng hàng rồi chuyển ra bưu điện.

Ra đường, nghĩ đến bom đạn, tên lửa lại chùn chân

Dù hoạt động buôn bán đứt quãng, thu nhập chỉ mang tính tượng trưng, song anh Tuấn vẫn sẵn sàng mang tiền nhà đi tham gia các hoạt động từ thiện, cộng đồng.

Người đàn ông này chia sẻ, anh và một số đồng hương bám trụ lại Ukraine thường xuyên kết nối với cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Từ khi chiến sự nổ ra, người Việt tại Ba Lan đã chuyển sang Ukraine hàng chục chuyến hàng từ thiện. Nhóm của anh Tuấn ở Kharkov đã tiếp nhận các xe hàng về phân loại, đóng vào các túi nilon rồi đem đi phát cho người dân, binh lính trong thành phố hoặc ở các vùng ngoại ô... Mỗi lần họ cấp phát tới 500-600 suất quà.

Toàn bộ tiền thuê xe tải, tiền xăng xe đi lại khi chuyển hàng từ thiện, anh Tuấn đều tự mình lo liệu. Anh coi đó như một cách nhỏ bé để đồng hành cùng người dân Ukraine trong cuộc chiến căng thẳng này. Sau này, một số bà con thấy anh đi lại nhiều đã góp chút ít chi phí để thuê xe hay hỗ trợ anh tiền xăng, thuê cửu vạn…

Trong quá trình vận chuyển hàng từ thiện, nhóm của anh Tuấn đã đi đến nhiều vùng cách trung tâm thành phố 50-60km, vùng ngoại ô xa xôi. Đường đi khá nguy hiểm bởi đó có thể là những vùng vẫn đang bị quân đội Nga bắn phá hoặc những vùng đã giải phóng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ vì bom mìn chưa được gỡ hết.

"Dĩ nhiên, bộ đội Ukraine có thể chỉ cho chúng tôi đi những con đường an toàn hơn. Tuy nhiên, họ không thể biết được tên lửa Nga sẽ bắn sang lúc nào. Nhiều hôm đến giờ đi rồi mọi người vẫn còn chùn chân bởi xác định là đi nhưng chưa chắc đã quay về được.

Dẫu vậy, sau mỗi lần thấy người dân đón chờ xếp hàng dài nhận hàng từ thiện, nâng niu từng gói muối hay cái chăn ấm, những người mà con cái họ đã ra chiến trường không ai quan tâm bật khóc khi nhận quà… chúng tôi lại thấy việc làm của mình có ý nghĩa", anh Tuấn xúc động nói.

"Đó là hòa bình!"

Mỗi chuyến đi, anh Tuấn lại cảm thấy xót xa khi chứng kiến những cảnh đổ nát, hoang tàn dọc đường đi. Anh càng cảm nhận rõ sự khốc liệt mà cuộc chiến gây ra.

Khi được hỏi về mong mỏi lớn nhất của bản thân thời điểm hiện tại, anh Trịnh Anh Tuấn liền trả lời: "Đó là hòa bình!". Hai tiếng "hòa bình" được người đàn ông bật ra rất nhanh nhưng đầy nghẹn ngào. Nơi khóe mắt anh, nước mắt trực trào ra.

Có lẽ vì sống ở thành phố điểm nóng, trực tiếp chứng kiến những mất mát, thương vong nên khi nhắc đến hai chữ hòa bình, người đàn ông từng trải này mới xúc động đến vậy.

Anh nói: "Có rất nhiều mất mát nhưng có lẽ lớn nhất là sự tan vỡ của gia đình. Nhiều người tôi quen biết đã không còn. Có những người hôm trước gọi điện cho nhau còn nói chuyện nhưng hôm sau đã không thể bắt máy. Sự mất mát này là không đáng. Có những người lính mới đi được 2 tuần đã báo tin hi sinh. Nhiều người lính Nga còn trẻ cũng phải bỏ mạng nơi này… Trong điều kiện chiến sự căng thẳng, tôi thấy may mắn vì gia đình mình vẫn trọn vẹn".

Người Việt sinh sống tại Ukraine đang từng ngày mong ngóng hòa bình.

Chia sẻ về tình hình hiện tại tại Kharkov, anh Trịnh Anh Tuấn cho biết: "Tình hình hiện tại đang tạm ổn. Những tiếng nổ hầu như ở xa nên người dân không còn phải xuống hầm tránh trú nữa. Với riêng gia đình anh, đời sống không đủ đầy như trước đây nhưng cũng không đến mức quá thiếu thốn. Các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại không bị thiếu thốn.

Nhu cầu về thực phẩm chưa bao giờ bị gián đoạn. Các cháu nhỏ không thể đến trường nhưng được học online. Hoạt động học tập đôi khi bị gián đoạn do sự cố mất điện ở một số vùng. Mạng internet vẫn có, người dân duy trì được việc cập nhật tin tức.

Hệ thống sưởi bị ảnh hưởng, các gia đình khắc phục bằng cách dùng bếp gas, quạt sưởi chạy điện. Tuy vậy, người dân vẫn chưa phút nào cảm thấy an toàn bởi chiến sự chưa kết thúc, nguy hiểm vẫn luôn rình rập và chưa biết lúc nào thành phố sẽ tiếp tục bị tấn công".

Theo anh Tuấn, thành phố nơi anh sinh sống may mắn có người tỉnh trưởng rất giỏi và hết lòng vì người dân. Bất cứ khi nào sở điện, nước gặp trục trặc do các đợt tấn công, tỉnh trưởng đều chỉ đạo khắc phục rất nhanh. Lâu nhất là 24h đã có điện.

Nhịp sống luôn được cố gắng duy trì ổn nhất có thể để những người lính đang làm nhiệm vụ biết rằng, họ luôn có một hậu phương vững chắc chờ đợi, tiếp sức và cổ vũ.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

26/12/2022  Dân Trí

Tin mới:
Giới trẻ Việt ở Saint Petersburg tiếp nối giá trị truyền thống ngày Giỗ Tổ(15/04/2024)
Người gốc Việt đầu tiên trúng cử hội đồng nhân dân cấp quận ở Ba Lan(13/04/2024)
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập(11/04/2024)
Người Việt tại Hungary hướng về biển đảo quê hương(10/04/2024)
Ấn tượng Lễ khai giảng giai đoạn 3 chương trình Tiếng Việt vui(08/04/2024)
Sinh viên Việt Nam tại Pháp ủng hộ đồng bào, chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa(07/04/2024)
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt am Main tổ chức Hội thảo về dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Đức(30/03/2024)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan(30/03/2024)
Người Việt đội mưa hiến máu cứu nạn nhân vụ khủng bố nhà hát Nga(24/03/2024)
Chiều sếp, chàng trai Việt nhảy giữa nhóm người Đức hút 6 triệu lượt xem(22/03/2024)
Các tin khác:
Nghi phạm vụ xe tải chở 7 người Việt nhập cảnh trái phép vào Anh không nhận tội(19/03/2024)
Tôn vinh nữ doanh nhân Việt tại Pháp(19/03/2024)
Người Việt đánh nhau ở chợ châu Á Berlin: Ba người đàn ông bị thương nặng (18/03/2024)
Trung vệ Việt kiều Hungary bắn tín hiệu về Việt Nam(17/03/2024)
Sinh viên Việt Nam "lan tỏa hồn tre" Việt Nam tại thủ đô Moskva(17/03/2024)
Chuyện thi Quốc tịch tại Hungary(11/03/2024)
Tiếng cười bên lớp học tiếng Việt tại Hungary(11/03/2024)
Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2026(11/03/2024)
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt(11/03/2024)
Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ I diễn ra từ 9-10/3(06/03/2024)
Văn hóa Việt và môn võ Quán khí đạo tại Romania(03/03/2024)
Tuyến đường đưa người Việt nhập cư trái phép vào Anh(23/02/2024)
Anh phạt tù thanh niên đưa 6 người Việt nhập cảnh trên nóc xe tải(22/02/2024)
Nữ điều dưỡng viên lưu giữ "hồn Việt" ở trời Âu(21/02/2024)
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời(21/02/2024)
Tết Giáp Thìn 2024 cùng du học sinh tại Grenoble(19/02/2024)
Đức: Hội người Việt tại thành phố Hamm khẳng định xây dựng cộng đồng vững mạnh(19/02/2024)
Sinh viên Việt Nam tích cực quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc(17/02/2024)
Tết sum vầy của người Việt ở Bồ Đào Nha(14/02/2024)
Người gốc Việt ra tranh cử ở Ba Lan(13/02/2024)
Người Hải Dương ở Nga giờ ra sao?(13/02/2024)
Cháy nhà tại Mỹ, gia đình người đàn ông gốc Việt chết thảm(11/02/2024)
Thư từ Đức: Ấm lòng Tết Việt xứ xa(09/02/2024)
4 người Việt bị cáo buộc trộm số quần áo trị giá 135.000 USD tại Nhật(07/02/2024)
Xuân Quê hương ấm áp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hy Lạp(07/02/2024)
Gói bánh chưng tại Hungary: Dịp ôn lại kỷ niệm tết Việt(07/02/2024)
Xuân Quê hương 2024 đoàn kết, gắn bó, hướng về đất nước tại Hà Lan(05/02/2024)
Ban liên lạc toàn cầu vì biển, đảo Việt Nam ​thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân(04/02/2024)
Hungary: Đoàn Đại sứ quán Việt Nam thăm, chúc Tết Hội Phật tử Việt Nam - chùa Tuệ Giác(04/02/2024)
Xuân Quê hương ấm áp tại vùng Viễn Đông nước Nga(04/02/2024)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này