Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Những ân tình không thể nào quên (18/11/2020)

Sau 6 năm học tập tại nước Nga, con trai thứ hai của tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Quốc gia Quan hệ quốc tế Moscow và về nước tháng 8 vừa qua.

Từ một người hoàn toàn xa lạ với nước Nga xa xôi, cháu trưởng thành được như hôm nay là nhờ một phần quan trọng từ những ân tình của người dân và các thầy, cô giáo ở xứ sở bạch dương...

Quyết định khó khăn

 Đầu năm 2014, sau 25 năm công tác trong quân đội rồi chuyển ngành, thì bất ngờ chồng tôi (ông Phạm Đức Vinh, hàm Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương) được điều động sang công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang (LB) Nga. Trong gia đình, ngoài chồng tôi đã từng học tập 5 năm tại Học viện Không quân Zhukovsky ở Moscow, thì LB Nga là một đất nước còn quá xa lạ với mẹ con tôi. Cháu lớn học đại học năm thứ hai thì vẫn ở Việt Nam học tập. Nhưng với cháu thứ hai, Phạm Đức Dũng đang học lớp 8 tại Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, tôi không đành lòng để cháu ở nhà. Băn khoăn, trăn trở nhiều đêm, chúng tôi đành lựa chọn giải pháp: Chồng tôi sang trước, tìm hiểu tình hình, còn tôi ở nhà chờ cháu học hết chương trình phổ thông cơ sở rồi mới tính tiếp...

Tháng 2-2014, chồng tôi bắt đầu sang công tác tại Nga. Sau đó, anh đã điện về cho tôi: “Anh đã liên lạc được với cô hiệu trưởng một trường phổ thông ở đây. Qua trao đổi, anh thấy có thể cho con sang ngay được!”. Vậy là, khi cháu vừa kết thúc năm học lớp 8, mẹ con tôi cũng làm xong thủ tục để lên đường. Nhớ ngày về trường rút hồ sơ, cô giáo chủ nhiệm lớp của Dũng còn khuyên tôi: “Chị nên bảo lưu kết quả học tập của con, nếu sang đó không thích nghi được, nhà trường sẵn sàng đón con trở lại!”. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy ấm lòng trước tình cảm ấy của các thầy cô Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Cô Hiệu trưởng Irina Grigorievna (thứ năm, từ trái sang), tác giả (thứ năm, từ phải sang) cùng với một số phụ huynh người Việt trong Lễ tổng kết năm học năm 2015. Ảnh: THUỶ TIÊN

“Tấm lòng vàng” ở xứ sở bạch dương

Sang đến nơi, việc đầu tiên là tôi gửi cháu Dũng đến sống với một gia đình người Nga ở “dacha” (nhà nghỉ có vườn ở ngoại ô), cách trung tâm thủ đô Moscow gần 100km để làm quen và học tiếng Nga. Qua sự giới thiệu của bạn bè, chúng tôi đã biết đến gia đình bác Yuri Vasilievich (tên thân mật là Yura), nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu khoa học các dụng cụ chính xác thuộc Tổng cục Hàng không Vũ trụ Nga và vợ là Bùi Liên, nguyên đội trưởng một đội lao động xuất khẩu Việt Nam thời Liên Xô. Cũng cần phải nói thêm rằng, gia đình bác Yura hay giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, hai bác rất nhiệt tình với người Việt sang Moscow công tác, làm ăn. Thời điểm đó, bác Liên đã ngoài 60 tuổi, còn bác Yura thì gần tuổi 70.

Những ngày đầu ở “dacha” với Dũng thật sự rất khó khăn. Có lần cháu kể: “Mẹ sẽ không thể nào hình dung về cái cảm giác xa lạ, hụt hẫng giữa một nơi xa lạ đến cả... tiếng nói đâu! Những lúc buồn bã, căng thẳng nhất, con lại tìm cách giải tỏa bằng cách chạy bộ ra cánh rừng bạch dương gần đó. Giữa bạt ngàn tiếng gió và tiếng lá lạo xạo dưới chân, con nhớ những lần đi picnic cùng bạn bè ở những đồi thông, những cánh rừng của quê nhà. Nhớ Việt Nam, nhớ các bạn đến cháy lòng!”.

Nhưng rồi không biết tự lúc nào, phong cách, ngôn ngữ Nga đã thấm vào con trai tôi. Có lẽ, phần nhiều là nhờ sự quan tâm, động viên, yêu thương như con cháu trong nhà của gia đình bác Yura. Bác Yura không nói được tiếng Việt, nhưng lại là người đầu tiên dạy Dũng cách đánh vần, nói những từ tiếng Nga đơn giản. Với những người học ngôn ngữ Nga, phát âm đúng chữ cái và nói đúng ngữ điệu là cả một quá trình. Vậy mà hằng ngày, bác Yura kiên trì làm mẫu hàng chục lần để Dũng làm được mới thôi. Còn bác Liên thực sự là “cuốn từ điển sống”. Bác đã chỉ bảo cho Dũng từ cách sinh hoạt thường ngày của người Nga đến uốn nắn cách phát âm, chỉ dạy phương pháp nhớ từ vựng. Bác Liên bảo, chỉ có học thật nhiều từ vựng thì mới nhanh học được ngôn ngữ Nga. Nhờ vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, Dũng đã nói với hai bác: “Cháu sẽ không buồn nữa, cháu sẽ quyết tâm học tiếng thật tốt để còn học tập lâu dài ở Nga”. Sau mùa hè, khi trở về học tập ở Trường Phổ thông 282 Moscow (Trường 282), nhiều lần cậu con trai của tôi thì thầm với mẹ: “Con ước gì có phép màu khiến bác Liên có thể nhỏ lại, “núp” trong cặp sách của con, để khi cần con có thể hỏi bác được ngay!”.

Người kết nối tình hữu nghị Nga-Việt

Trường 282 ở gần khu ngoại giao đoàn Dakuchaev là cơ sở giáo dục có uy tín, nơi cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cùng cộng đồng người Việt ở Moscow gửi gắm con em học tập. Từ tháng 9-2014, cháu Dũng bắt đầu học tập ở đây. Ngày đầu tiên đưa con đến trường, tôi ấn tượng trước một cô giáo có mái tóc vàng, giọng nói ấm áp, thân thiện. Đó là cô Hiệu trưởng Irina Grigorievna.

Được cô tạo điều kiện, ban đầu, thời gian học của Dũng tập trung chính cho môn tiếng Nga. Bằng kinh nghiệm của một nhà giáo có nhiều năm giảng dạy học sinh Việt Nam, cô cho rằng chỉ có học tốt tiếng Nga mới là cơ sở để tiếp cận, học tốt các môn khoa học xã hội khác trong trường phổ thông cũng như lên bậc đại học. Còn những môn tự nhiên, do chương trình học tập của Dũng ở Việt Nam khá “nặng” rồi nên sang Nga cháu không dự nghe giảng nhiều mà vẫn có được kết quả học tốt. Cô đã phân công hai cô giáo dạy riêng cho Dũng các môn Nga văn, Anh văn. Cũng vì tập trung vào giờ học với các cô mà thành ra có những buổi sinh hoạt lớp Dũng vắng mặt nên không kịp cập nhật thông tin từ nhà trường...

Hôm ấy, mới 7 giờ 30 phút, cả nhà vẫn còn say giấc còn tôi đang chuẩn bị đồ ăn sáng thì chuông điện thoại reo. Chồng tôi nhận điện thoại, từ đầu dây bên kia, giọng cô hiệu trưởng hỏi đầy lo lắng: “Hôm nay các con thi học kỳ, đã có thông báo về việc di chuyển địa điểm thi mà không thấy Dũng đến? Các con đi hết rồi nhưng cô thì vẫn đợi Dũng ở đây! Gia đình mau đưa con đến!”.

Hóa ra việc thay đổi địa điểm thi được thông báo trong giờ sinh hoạt lớp, Dũng không dự nên không biết. Thật may là cô Irina đã kịp thời thông báo. Giữa hàng trăm học sinh của Trường 282, cô đã dành cho người học trò Việt Nam tình cảm đặc biệt như thế đó!

Nhờ sự quan tâm của các thầy cô, Dũng càng ngày càng tiến bộ. Không chỉ hòa nhập được với các bạn, Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thao, hội thi ở trường. Có những cuộc thi như sáng chế mô hình vật thể bay, cô hiệu trưởng tận tình chỉ dẫn cho Dũng từ lúc hình thành ý tưởng đến việc chọn vật liệu, tính toán kích cỡ các thành phần... Khi Dũng lựa chọn trường thi đại học, cô chân thành đề xuất, nếu gia đình chọn một trường kỹ thuật thì cô sẵn sàng dành thời gian để bồi dưỡng kiến thức môn Vật lý.

Có một thực tế là, người Việt trong cuộc mưu sinh nơi xứ lạ đôi khi sao nhãng việc dạy tiếng Việt, cũng như hướng dẫn tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Việt cho con cháu. Nhưng tôi đã thấy chính các cô giáo ở Trường 282 lại là “sợi dây” để gắn kết các em học sinh về với truyền thống, bản sắc dân tộc. Và cô Irina là người làm những việc ý nghĩa ấy. Cô tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ lớn của Việt Nam như 30-4, 2-9... Ngay từ năm đầu tiên sang nước bạn, tôi đã được đón một cái Tết Nguyên đán thật đặc biệt cùng cô trò Trường 282. Vào đúng ngày Ba mươi Tết, trong khuôn viên trường, những mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét, những bài hát vui nhộn đón xuân và các trò chơi truyền thống Việt Nam được tổ chức trong không khí đầm ấm, phấn khởi. Học sinh người Việt còn thi nhau lên “diễn đàn” để giới thiệu với các bạn Nga về phong tục Tết của Việt Nam...

Không dừng lại ở đó, cô Irina còn là người tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi chuyên môn cũng như văn hóa giữa Trường 282 với Trường chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) trong khuôn khổ mối quan hệ kết nghĩa. Sau này, khi chuyển sang làm Giám đốc một trung tâm thiếu nhi, cô Irina tiếp tục thể hiện tình yêu với Việt Nam. “Góc Việt Nam” là một khu trưng bày do cô chủ trì thực hiện tại nhà truyền thống của trung tâm. Tại đây, các sự kiện Việt Nam cũng thường được tổ chức cho các em thiếu nhi. Bằng tình yêu sâu đậm đối với đất nước Việt Nam, cô đã truyền sự gắn kết với ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam cho nhiều thế hệ người Việt tại Nga.

Năm 2018, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vợ chồng tôi trở về Việt Nam. Dù vậy, những năm tháng ở Nga đã để lại trong tôi những tình cảm không thể phai mờ, đặc biệt với những tâm hồn Nga yêu Việt Nam tha thiết như cô Irina, bác Yura... Họ đã khiến chúng tôi cùng nhiều người Việt công tác, sinh sống ở Moscow mỗi khi nghĩ đến đều rưng rưng xúc động. Đó là sự thương mến và niềm trân quý dành cho “những ân tình” không thể nào quên!

PHẠM THỊ THANH HUỆ (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này