Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Vẫn muốn đi khắp nước Nga rộng lớn (13/11/2020)

Tôi có 24 lần đi-lại giữa Việt Nam và nước Nga, thời gian ròng sống ở bên đó hơn 13 năm. Nhưng đến giờ tôi vẫn muốn quay trở lại nước Nga và đi lại ngược xuôi bên đó. Dường như nước Nga rộng lớn khi nào cũng vẫy gọi tôi lên đường...

Thiên nhiên Nga, con người Nga đã cuốn hút tôi

Tôi đặt chân lên nước Nga vào tháng 9-1976. Sau 7 tiếng đồng hồ mải mê ngắm hồ Baikal qua cửa sổ tàu hỏa, tôi đến thành phố Irkutsk và lưu lại trong ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Irkutsk 7 ngày. Sau đấy tôi lên tàu hỏa đi suốt 4 ngày nữa để đến thủ đô Moscow. Chỉ được lưu lại Moscow 2 ngày nhưng tôi cũng kịp ra Quảng trường Đỏ và lên đồi Lênin để chiêm ngưỡng vẻ hoành tráng của Trường Đại học Tổng hợp Moscow và hái táo miễn phí. Cái đọng lại rõ nét nhất trong chuyến đi dài này là vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Nga. Chính vì vậy tới năm 2001, tôi lại đưa con trai, con gái ra ga Hàng Cỏ để sang Nga bằng tàu hỏa.

Giờ đây, khi đã gần 70 tuổi rồi, tôi vẫn tự hỏi: “Không biết tự lúc nào? Vì lý do gì, tôi yêu đất nước, con người Nga đến tận đáy sâu tâm hồn mình?”.

Có lẽ, tôi yêu nước Nga, quý người Nga vì tôi được người Nga trân trọng và yêu thương. Tôi đến nước Nga sau khi Việt Nam đã lập nên chiến công vĩ đại và thống nhất đất nước. Người Nga, đặc biệt là những người phụ nữ cao tuổi đánh giá cao điều này và khâm phục, yêu mến tất cả người Việt Nam đến nước Nga học tập và làm việc. Khi biết tôi là người Việt Nam, không ít các bà mẹ Nga nói: “Cho phép tôi được ôm anh để tỏ lòng ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam!”.

Năm 1977, tôi đến học ở thành phố Krasnodar. Đây là nơi có nhiều căn cứ quân sự và các trường của quân đội. Hầu hết phi công chiến đấu của Việt Nam được đào tạo tại Krasnodar. Các anh bộ đội Việt Nam học tập ở đây đã tạo tiếng tốt cho người Việt Nam. Dân ở thành phố biển Novorosisk kể mãi về một anh phi công Việt Nam đã dũng cảm cứu 2 em bé Nga bị đuối nước trong một ngày hè năm 1970.

Tác giả với các đồng nghiệp người Nga tại chùa Một Cột, Hà Nội, năm 1987 (tác giả đứng thứ ba từ trái sang, người bên phải là Kolesnikov-Phó tổng biên tập Tạp chí “Người cộng sản”). Ảnh tư liệu của tác giả.

Sống và học tập ở Krasnodar, tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi là nam sinh viên nước ngoài duy nhất theo ngành văn học Nga-Xô viết nên được các cô gái Nga trong trường chú ý, chủ động gặp gỡ để trò chuyện. Họ yêu cầu tôi kể về chiến tranh ở Việt Nam. Tôi kể về những ngày bom đạn ở làng biển Nghệ An quê tôi; kể về những người lính trẻ hy sinh khi trong ba lô có quyển sổ chép bài thơ “Đợi anh về” của Simonov do Tố Hữu dịch. Tôi nói thêm về ảnh hưởng của văn học, điện ảnh, âm nhạc Liên Xô tới nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Tinh thần quả cảm của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại được gọi chung là “Phim chiến đấu của Liên Xô” đã khích lệ quân và dân Việt Nam. Tôi có nói thêm là vì những lý do khác nhau, đến lúc này tôi vẫn chưa được xem những bộ phim như “Đàn sếu bay”, “Người thứ 41”... Một hôm, sau tiết học thứ hai, tôi nhận được một mẩu giấy ghi: “Hồ Bất ơi! Hôm nay rạp Rạng Đông có chiếu “Đàn sếu bay” miễn phí. Cậu có đi xem với tớ không? Ký tên: Natasa Vasitrenco”. Đây là lần hiếm hoi tôi trốn học thời sinh viên, để đi xem một bộ phim rất hay của điện ảnh Xô viết.

Tôi có 4 mùa hè tham gia đội lao động sinh viên quốc tế. Chúng tôi đến các nông trường để xây trại chăn nuôi, kho chứa lúa mì. Tỉnh Krasnodar có thảo nguyên Cuban rộng lớn là vựa lúa mì của nước Nga. Những người nông dân Nga ở đây khi biết tôi từ Việt Nam đến, đã kéo về nhà để uống rượu và hỏi han. Tôi thân một gia đình trẻ, có hai bé gái sinh đôi khoảng 9-10 tuổi. Khi tôi làm việc ở công trường, thỉnh thoảng hai bé lại mang hoa quả và nước cho tôi. Cuối hè 1981, cha của hai bé ra gặp tôi và nói: “Tôi có một chum rượu nho lớn chôn ở ngoài vườn, định bụng đủ 10 năm thì đào lên uống. Năm nay mới được 9 năm thôi nhưng tôi vẫn quyết định đào lên mời anh uống vì hè sang năm có thể các anh không đến đây nữa...”. Tôi nhận lời và đó là lần đầu tiên trong đời, tôi say rượu.

Được các đồng nghiệp Nga mở mang, chắp cánh

Tháng 1-1983, tôi nhận việc tại Tạp chí Cộng sản. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với các đồng nghiệp người Nga ở Hội Nhà báo Liên Xô và Tạp chí “Người cộng sản” (Cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô). Lúc thì tôi sang Liên Xô, khi thì họ sang Việt Nam. Tháng 12-1986, tôi tháp tùng ông Hồng Chương, khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, sang Moscow dự hội nghị Tổng biên tập các Tạp chí lý luận và chính trị của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Khi tôi đưa bản dịch bài phát biểu của ông Hồng Chương cho ban tổ chức, họ bảo rằng tôi có thể viết báo bằng tiếng Nga. Năm 1987, đoàn đại biểu Tạp chí “Người cộng sản” do Phó tổng biên tập Kolesnikov thăm Việt Nam. Với tư cách là người hướng dẫn kiêm phiên dịch, tôi đi với đoàn suốt 10 ngày và trở nên thân quen với họ. Năm 1988 tôi sang Nga, có ghé thăm tòa soạn Tạp chí “Người cộng sản” và được giới thiệu làm quen với Igor Gaidar. Đây là cháu đích tôn của một sĩ quan Hồng quân-nhà văn, nhà báo Arkady Gaidar-tác giả quyển sách nổi tiếng “Timua và đồng đội”. Igor Gaidar học ở Trường Đại học Tổng hợp Moscow từ sinh viên cho tới tiến sĩ, được xem là người có trí tuệ và bản lĩnh.

Tháng 10-1990, tôi trở lại nước Nga để học sau đại học. Theo thông lệ, tôi sẽ về lại Trường Đại học Tổng hợp Kuban ở thành phố Krasnodar. Trước khi rời Moscow, tôi đến thăm các đồng nghiệp ở Tạp chí “Người cộng sản”. Các đồng nghiệp ở đây cho rằng, tốt nhất là tôi ở lại Moscow và học tập, nghiên cứu tại Khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov. Thế là tôi đến học tập, nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Khoa Báo chí vào tháng 3-1995. Đây là quãng thời gian nước Nga trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử của mình. Tận mắt chứng kiến những sự kiện bi tráng trong việc thay đổi của nước Nga, tôi càng hiểu và khâm phục người Nga hơn...

Năm 2001, tôi đưa 2 con đến sống, làm việc, học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Tambov. Tambov là một thành phố ở miền Trung nước Nga-nơi đất đai nổi tiếng trù phú. Tambov cũng là thành phố đậm đặc chất quân sự. Rất nhiều sĩ quan hóa học của Quân đội nhân dân Việt Nam học ở đây. Gần 3 năm ở Tambov, tôi đã tạo dựng được cầu nối giữa các trường đại học ở đây và một số cơ quan văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Mùa đông năm 2002, nhà thơ-dịch giả Thúy Toàn đã sang Tambov để giao lưu văn hóa.

Xem bóng đá Nga là “đội nhà” 

Ở đấu trường quốc tế môn bóng đá, tôi và rất nhiều người Việt Nam xem bóng đá Nga là “đội nhà”, chúng tôi vui buồn với những bước thăng trầm của các đội bóng Nga. Dù các đội bóng Nga chưa mấy khi đạt được những thành tích lớn nhưng chúng tôi vẫn yêu chất hồn nhiên và máu lửa của bóng đá Nga.

Yêu bóng đá Nga suốt nhiều năm, nhưng mãi đến năm 2005, tôi mới cảm thấy thực sự sung sướng khi đội CSKA trở thành đội bóng đầu tiên của Nga đoạt được một cúp châu Âu (Cup C2) sau chiến thắng 3-1 trước Sporting Lisbon trong trận chung kết ngay tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Tôi xem trận đấu này một mình qua truyền hình tại bang Washington của Mỹ. Sau tiếng còi mãn cuộc, tôi muốn hét lên mà không biết chia sẻ cùng ai vì những người xung quanh đều là dân Mỹ.

Tôi quyết định đến cửa hàng bán đồ ăn Nga mua rượu vodka và đồ ăn “thuần Nga” để tự thưởng niềm sung sướng này. Trong cửa hàng, tôi lỡ vấp vào một người đàn ông da trắng. Đáng ra phải xin lỗi bằng tiếng Anh thì tôi lại thốt lên lời xin lỗi bằng tiếng Nga. Người đàn ông nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên thú vị và nói bằng tiếng Nga: “Đây là đất Mỹ, anh là người châu Á, sao lại biết nói tiếng Nga?!”. Tôi trả lời rành rẽ bằng tiếng Nga: “Tôi có hơn chục năm sống trên đất Nga, học qua các trường đại học của Nga, yêu bóng đá Nga đến tận cùng xương tủy. Hôm nay CSKA đoạt cúp, tôi đến đây mua đồ ăn thức uống Nga về để liên hoan”. Người đàn ông thốt lên vui sướng: “Thế ư?! Tôi cũng vậy, anh về nhà tôi cùng nhau uống rượu vui mừng đi!”.

Tôi rời nhà người bạn Nga mới quen lúc đã quá nửa đêm. Biết là không còn phương tiện công cộng nữa nên tôi vẫy xe con. Tôi vẫy mấy lần mà chẳng xe nào chịu dừng cả. Một lúc sau xe cảnh sát đến, hai cảnh sát bước ra hỏi: “Anh là ai? Tại sao anh quấy quả những người đi đường?”. Thấy cảnh sát nói tiếng Anh, tôi mới tỉnh ra và nhận thức được đây là đất Mỹ. Cả buổi chiều và tối nói tiếng Nga, tôi cứ nghĩ là mình đang ở Nga nên mới ra đường vẫy xe. Ở Nga, trong đêm khuya, khi thấy xe con (không phải taxi) chạy trên đường, vẫy là xe dừng lại. Nếu người vẫy đi cùng đường sẽ được chủ xe cho đi nhờ.

Tôi đưa hộ chiếu, trình bày với cảnh sát tình cảnh và lý do mình vẫy xe rồi được cảnh sát Mỹ đưa về nơi ở. Đây là kỷ niệm “có giá” nhất của tôi về nước Nga khi tôi sống ở ngoài nước Nga.

Năm 2020, Trường Đại học Tổng hợp Kuban kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập. Nhà trường mời tất cả cựu sinh viên. Tôi đã lên kế hoạch ra ga Hàng Cỏ để đi tàu hỏa sang Nga lần thứ ba nhưng đành hoãn lại vì đại dịch Covid-19. Nhưng chắc chắn tôi còn trở lại để khám phá và yêu nước Nga hơn nữa.

HỒ BẤT KHUẤT (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này