Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Những ngày tháng không quên (02/11/2020)

Khi còn là cô sinh viên năm nhất của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học đại học tại xứ sở bạch dương theo diện Hiệp định giữa Chính Phủ Việt Nam và Liên bang (LB) Nga. Và mối nhân duyên của tôi với nước Nga bắt đầu từ đó.

Lúc nhận được thông báo đi học, trong tôi có cảm xúc rối bời. Bởi vì tôi được cử đi học một ngành hoàn toàn khác với ngành tôi đang theo học, chứ không phải vì sợ đến một đất nước xa lạ. Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cô và người quen của gia đình, tôi xách ba lô cùng các bạn sinh viên Việt Nam khác đến thành phố Tver xinh đẹp, cổ kính bên bờ sông Volga để theo học đại học.

Chúng tôi được thầy cô đón ở sân bay Sheremetyevo ở ngoại ô Moscow vào buổi chiều muộn một ngày mùa thu tháng 9-1998. Chiếc xe Hải Âu màu vàng đưa 7 đứa chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trên quãng đường từ sân bay về ký túc xá Đại học Tổng hợp kỹ thuật Tver. Vì chiều muộn nên trời đất ảm đạm, xám xịt. Ven quốc lộ không nhà cửa và thiếu vắng bóng người, chỉ thấy những rừng cây xơ xác lá. Thấp thoáng những khu dân cư thưa thớt với các ngôi nhà gỗ đơn sơ đan xen giữa những cánh rừng và đồng cỏ.  Sau này, chúng tôi mới biết đó là nơi người dân thành phố về nghỉ ngơi vào mùa hè. Trên xe không ai nói chuyện với ai, phần vì cũng mệt sau chuyến bay dài, phần vì chưa quen hết nhau. Thêm vào đó, vốn tiếng Nga ít ỏi được học trong 20 ngày ở trường Ngoại ngữ làm cho chúng tôi không đủ tự tin hỏi chuyện thầy cô.

Chiều thu trong công viên thành phố Tver. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Đến nước Nga, chúng tôi vô cùng háo hức khám phá vùng đất, con người, văn hóa, phong tục tập quán mới. Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên ra khỏi cửa ký túc xá. Đó là lúc cả 7 đứa đi gửi thư về nhà. Ra khỏi cổng, chúng tôi gặp một phụ nữ Nga trông hiền hậu. Cả bọn đến gần hỏi bà xem bưu điện ở đâu. Vốn tiếng Nga ít ỏi của chúng tôi chỉ đủ để đưa ra những câu hỏi trơn tru. Tuy nhiên, câu trả lời của người được hỏi thì không phải lúc nào cũng giống trong sách vở. Sau khi hướng dẫn xong vẫn thấy mấy đứa ngơ ngác, bà cười hiền từ và dẫn cả 7 đứa chúng tôi ra bưu điện, giải thích với cô nhân viên bưu điện cho chúng tôi gửi thư về Việt Nam. Sự ấm áp, đôn hậu, nhiệt tình của người phụ nữ đó đối với riêng tôi là niềm tin để hào hứng và vui vẻ đón những ngày mới, khám phá nhiều điều mới ở nước Nga vĩ đại mà trước đó tôi chỉ được biết qua sách vở. Hay những khi ra chợ gần ký túc xá, các ông, các bà hay gọi chúng tôi là bằng những từ thân mật như con trai, con gái mua khoai tây đi, mua táo đi…Khi trả lại tiền thừa cho chúng tôi, các cụ đếm từng đồng, từng xu, rồi nói: “Đó con gái, hết có bao nhiêu đó thôi”. Sao cảm thấy người Nga chân thật và ấm áp đến thế!

Những ngày đầu tiên, chúng tôi chưa đi học ngay mà được thầy cô ở khoa dự bị tiếng Nga đưa đi khám sức khỏe, đi làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, giới thiệu trường, thư viện, nhà sách… Đến bây giờ tôi vẫn khâm phục các cô giáo của chúng tôi. Các cô kiên trì, bền bỉ, không nổi nóng, không cáu giận, giải thích tận tình, tỉ mỉ từng từ, từng câu để chúng tôi hiểu bài. Sau 1 năm học dự bị tiếng Nga, chúng tôi bước vào giảng đường đại học, học cùng các bạn Nga khi học môn chung như Chính trị học, Nhà nước và Pháp luật, Triết học, Tâm lý học... Biết đám học trò Việt Nam chưa rành chữ, các thầy cô thường viết đề mục lên bảng cho chúng tôi ghi hoặc đọc bài giảng chậm lại. Chúng tôi mượn sách thư viện về đọc, tra từng từ, tìm hiểu từng nghĩa. Bộ từ điển hai tập mà chúng tôi mang theo từ Việt Nam có giá trị biết nhường nào.

Tác giả (ở giữa) gặp lại thầy cô giáo cũ Bộ môn Công nghệ sinh học và hóa học, Đại học Tổng hợp kỹ thuật Tver. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Bước vào năm thứ 3 đại học, chúng tôi chuyển sang học chuyên ngành. Đối với chúng tôi, những đứa sinh viên từng học kinh tế, học y, việc chuyển sang học kỹ thuật là một sự thay đổi lớn. Đầu tiên, chúng tôi được làm quen với các chi tiết máy, các trang thiết bị, máy móc vi sinh. Thật vất vả khi tất cả chúng tôi chưa từng cầm những cây bút chì có độ mềm khác nhau để vẽ những đường nét có độ dày mỏng khác nhau. Thầy Rudol Vasilevich Shasherin đã chỉ bảo cho chúng tôi từng đường kẻ, từng nét bút chì suốt từ năm thứ 3 đại học cho đến khi tốt nghiệp. Trong tiềm thức các thế hệ sinh viên đào tạo tại khoa Công nghệ sinh học và hóa học, thầy Rudol Vasilevich Shasherin là người nổi tiếng nghiêm khắc. Sau này, khi quay lại trường làm thí nghiệm trong thời gian làm nghiên cứu sinh, các đồng nghiệp là anh chị trên chúng tôi 2-3 khóa mới kể lại điều đó. Thầy nghiêm khắc nhưng rất tận tụy truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thầy có thể chỉ bảo cho chúng tôi từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà không nghỉ trưa, không giải lao. Thầy không chỉ dạy cho chúng tôi phương pháp học tập mà còn chỉ bảo chúng tôi cả cách sống.

Trước mỗi giờ học, thầy Rudol Vasilevich Shasherin  hay kể câu chuyện ngắn về nhân cách con người để xây dựng thói quen tốt, loại trừ thói xấu. Tôi không bao giờ quên câu thầy nói khi thầy chỉ cho tôi vẽ một chi tiết máy. Thầy nói: “Em sẽ là một kỹ sư, mà kỹ sư là phải biết làm tất cả mọi thứ. Có thể có những thứ em chưa biết nhưng em sẽ biết nếu tìm hiểu về nó”. Câu nói của thầy đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình phấn đấu và rèn luyện. Sau 10 năm ra trường, tôi quay về thăm thầy cô. Người còn, người mất, thầy cô cũng đã già đi nhiều. Tuy nhiên, tình cảm và sự nồng hậu mà các thầy cô dành cho tôi không hề thay đổi.

Những năm tháng tuổi trẻ của chúng tôi ở Nga là như thế đó. Hơn 10 năm học tập trên đất bạn, tôi được văn hóa Nga nuôi dưỡng tâm hồn, thầy cô giáo trau dồi kiến thức, đồng nghiệp và bạn bè Nga chia sẻ kinh nghiệm công tác. Với tôi, đó là những điều vô giá. Bây giờ, mỗi khi được quay trở lại Nga là một lần như trở về chốn cũ. Những con đường, những món ăn, những người Nga nhân hậu…tất cả những điều tuyệt vời đó luôn luôn trong trái tim tôi.

LƯƠNG THỊ MƠ (QĐND Online)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này