Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Chiếc khăn ở lại Moscow (25/11/2020)

Trước ngày rời Hà Nội lên đường sang Moscow, có người bảo, tình cảm của người Nga với người Việt giờ không còn như thời Liên Xô nữa. Thế nhưng, từ bước chân đầu tiên đặt xuống Sân bay quốc tế Sheremetyevo, tôi đã gặp những điều rất khác. Để đến ngày về, không khỏi lưu luyến xứ sở bạch dương...

1. Chuyến công tác cùng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế 2020 (Army Games 2020) là lần đầu tiên tôi đến nước Nga. Xứ sở bạch dương trước chuyến công tác ấy chỉ hiện trên những trang sách, điện ảnh, chương trình truyền hình...

Sinh ra ngay sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nước Nga Xô viết đến với tuổi thơ tôi là những “Hãy đợi đấy”, “Maika-Cô bé từ trên trời rơi xuống”, “Bác sĩ Aibolit”... Lớn lên chút nữa là những phim “Thép đã tôi thế đấy!”, “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, “Khi đàn sếu bay qua”... Tuổi biết nhận thức tươm tất, là tháng ngày vùi đầu vào những tác phẩm văn học kinh điển của các tác gia Nga, như: Lev Tolstoy, F.M.Dostoyevsky, M.A. Sholokhov, Maksim Gorky, K.G. Paustovsky...

Từ thuở thơ ấu, nước Nga Xô viết đã định hình trong tôi là một vùng đất mênh mông, trù phú, với những thiếu nữ xinh đẹp, trong veo, những bà mẹ đôn hậu, những người đàn ông mạnh mẽ, khảng khái, hào hùng... Và thêm nữa, nước Nga tuyết trắng lạnh lẽo ngoài rừng taiga nhưng ấm áp khôn cùng bên lò sưởi trong căn nhà gỗ sồi hiếu khách. Ấn tượng ấy sâu sắc đến nỗi, ở tuổi trưởng thành, dù nước Nga đã xảy ra những biến động sâu sắc, những mường tượng trong tôi về xứ sở bạch dương vẫn vẹn nguyên.

2. Thủ đô Moscow, tháng 8-2020, chưa chạm mùa thu, tiếc là không được gặp cảnh lá phong đỏ danh bất hư truyền! Điều làm tôi tự ngạc nhiên với chính mình là ở một mảnh đất mới, gặp những con người chưa từng quen biết, nhưng không hề có cảm giác xa lạ. Phải chăng, dù trải qua vô vàn biến thiên của lịch sử, Moscow vẫn vậy, xứ sở bạch dương vẫn thế, người Nga vẫn luôn là một dân tộc hồn hậu, hiếu khách như trong trang sách thuở ấu thơ?

Những người bạn Nga hào hứng với điệu múa sạp của Đội tuyển Văn hóa nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2020 tại Nhà Hữu nghị, thao trường Alabino, Moscow.

Dòng thời gian vốn dĩ luôn nghiệt ngã, có thể làm nhạt nhòa cả những thứ tưởng chừng như khó thay đổi nhất. Nước Nga hôm nay tất yếu không trùng khít với nước Nga Xô viết ngày xưa. Người Nga hiện đại không thể “cố thủ” với những truyền thống không còn phù hợp. Thế nhưng, những thứ thuộc về căn cốt của một dân tộc, nền tảng của một đất nước vẫn luôn vững vàng. Điều ấy, tôi tìm thấy đậm nét ở những con người Nga hiện đại.

Trong chuyến công tác dài ngày tại Nga, do không thích ứng được sự thay đổi bất ngờ của thời tiết, tôi bị ốm. Tôi được đưa tới điều trị tại một bệnh viện quân y cách Moscow chừng 50km. Chuyện bệnh viện ở Nga sạch, đẹp, hiện đại như thế nào thì miễn bàn với điều kiện kinh tế của một trong những cường quốc thế giới. Chuyện còn lại là về những y, bác sĩ ở đó.

Chiều hôm nhập viện, đúng lúc ca trực hội ý, nên tôi được gặp nguyên cả ca. Vẫn là những con người lần đầu tiên gặp mặt, nhưng ánh mắt họ đã vô vàn trìu mến. Ánh mắt đó vượt qua cả chuyện bất đồng về ngôn ngữ, để đến những ngày sau đó, tôi thực sự xúc động về tấm lòng của các y, bác sĩ nơi đây.

Maria hoàn toàn xứng với danh hiệu “Gấu mẹ Nga vĩ đại”. Dáng to lớn, đẫy đà, khuôn mặt phúc hậu! Thật khó đoán tuổi bà. Nếu căn cứ vào ngoại hình, trong con mắt của một người Việt như tôi, chắc bà phải ngoài 60 tuổi. Nhưng lại thấy tác phong bà khá nhanh nhẹn, nên có lẽ, Maria chỉ ngoài 50 tuổi.

Maria là người “để tâm” tới tôi nhất. Vốn không hợp với đồ ăn Nga lắm, trong người lại sẵn mệt mỏi, tôi ăn rất ít. Lần nào vào phòng bệnh, thấy đồ ăn còn thừa nhiều, Maria tỏ vẻ rất không hài lòng. Bà “mắng mỏ” cả tràng, nhanh-dài đến nỗi Google dịch cũng chịu thua. Còn tôi, tất nhiên chỉ biết cúi đầu hối lỗi. Liên tục 3-4 bữa như thế, dường như Maria hiểu ra vấn đề. Bà hỏi tôi muốn ăn gì. Thú thực, tôi cũng chịu vì đâu có biết thực đơn của bệnh viện gồm những gì. Thế là, lại “ăn mắng”!

Đến bữa trưa ngày thứ ba, bỗng những lát bánh mì thường thấy “biến” đâu mất, thay vào đó là một bát cơm tú ụ. Hạt cơm to, cứng như hạt bo bo nhưng dẫu sao vẫn là món cơm quen thuộc! Đoán chắc Maria đã “lặn lội” tìm hiểu ẩm thực của người Việt để tìm món ăn phù hợp cho tôi, lúc gặp bà, tôi nói lời cảm ơn. Maria mỉm cười hạnh phúc. Có lẽ, sự hài lòng của người khác chính là niềm hạnh phúc của bà.

Sức khỏe tôi nhanh chóng hồi phục nhờ một phần rất lớn vào sự nghiêm khắc của Maria. Ngoài việc bổ sung thêm khẩu phần, mỗi lúc tôi dùng bữa, bà đều lấy cớ "đảo đi đảo lại" gần đó để giám sát. Cảm ơn lòng tốt của bà, tôi luôn cố gắng ăn nhiều hết mức có thể!

Không chỉ Maria, tôi còn nhận được sự quan tâm rất thân thiết của tất cả các y, bác sĩ khác. Nàng Anna xinh đẹp như người mẫu là người chuyên “giám sát” việc uống thuốc. Thi thoảng tôi quên, nàng lại tỏ vẻ không vui. Cánh mũi nhỏ xinh chun lại, ánh mắt như trách móc. Tôi lại dặn lòng, phải luôn nhớ thuốc thang để không làm mếch lòng nàng.

Bác sĩ Anton là người tôi có thể trao đổi nhiều nhất vì ông thạo tiếng Anh. Mỗi lần khám, ông đều phân tích bệnh tình của tôi rất cặn kẽ. Để từ đó, tôi hoàn toàn yên tâm chờ ngày hồi phục hoàn toàn.

Ngày tôi được xuất viện, cả kíp trực đều có mặt để tạm biệt. Những cái bắt tay thân mật, những cái ôm đầm ấm. Bác sĩ Anton căn dặn bằng giọng chân thành: “Anh phải chú ý tới việc ăn uống và tránh để cơ thể bị lạnh nhé!”. Maria rưng rưng. Tôi ôm chặt lấy bà mà không nỡ rời bước.

3. Ngay những phút đầu hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Sheremetyevo, tôi đã đặc biệt chú ý tới Makarova Ekaterina. Không phải vì vẻ đẹp trẻ trung, tươi mới của em. Cũng không phải vì phong cách nhà binh nghiêm trang ở một cô sinh viên dân sự. Mà vì, vốn tiếng Việt phong phú đến ngạc nhiên ở Makarova.

Makarova Ekaterina sinh năm 1999, lớn lên ở một thành phố cách Moscow khoảng 300km. Em có ngoại hình đặc trưng của một cô gái Nga: Tóc vàng, mắt xanh dương, hơi mũm mĩm. Cách ứng xử thì lại “càng Nga”. Đó là vẻ dịu dàng, hồn hậu, cởi mở, luôn tận tình với những người bạn mới.

Makarova Ekaterina đang học năm thứ ba, Khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow. Em kể, em có duyên với tiếng Việt. Lúc nhập trường, khi còn chưa biết chọn ngôn ngữ nào để học, Makarova được người quản lý giới thiệu về tiếng Việt. Và ngay buổi học đầu tiên, em đã cảm thấy tiếng Việt rất đẹp và diễn cảm. Kể từ ấy, tiếng Việt gắn bó với Makarova. Năm 2019, em đã có dịp sang Việt Nam 6 tháng để rèn tiếng Việt. Và em cũng đã chọn cho mình một cái tên Việt: Hương. Em bảo, cái tên đó thanh sạch, thơm ngát!

4. Tôi có một thú vui nho nhỏ. Đó là sưu tầm khăn quàng và lót cổ. Vì thế, trong “bộ sưu tập” của tôi có đến cả trăm chiếc khăn. Thế nhưng, chỉ có một chiếc được tôi yêu thích và sử dụng với cường độ dày. Chiếc khăn đó mang họa tiết kỷ hà, tông chính màu nâu, tôi mua cách đây 8 năm. Điều đáng ngạc nhiên, dùng mãi chiếc khăn đó vẫn y như ngày đầu, không hề lưu vết dấu thời gian. Ngày sang Moscow, đó cũng chính là chiếc khăn duy nhất tôi mang bên mình.

Những ngày ở Moscow, ngoài việc viết tin, bài về Army Games 2020, lúc rảnh rỗi, tôi còn dành thời gian để tìm hiểu câu chuyện 7 chiến sĩ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức, bảo vệ Moscow trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Để thực hiện công việc ấy, một trong những điểm đến của tôi là Nhà thờ chính của Lực lượng vũ trang Nga và Tổ hợp bảo tàng đa phương tiện mang tên Con đường tưởng niệm trong khuôn viên Bảo tàng Kubinka, ngoại ô Moscow.

Hương (Makarova Ekaterina) đưa tôi đến Nhà thờ chính và Con đường tưởng niệm. Quãng đường từ khách sạn đến đó chỉ khoảng 40km nhưng tốn chừng hai giờ đồng hồ vì tắc đường. Hai giờ đồng hồ ấy, tôi và Hương trò chuyện đủ thứ trên đời bằng tiếng Việt. Tôi kể em nghe về lịch sử, văn hóa truyền thống, cuộc sống của người Việt. Ban đầu, tôi nói khá chậm, tròn vành rõ từng chữ vì ngôn ngữ lịch sử, văn hóa rất đa dạng và có nhiều từ không còn phổ biến trong đời sống hiện đại. Thấy Hương có vẻ sốt ruột, tôi hỏi: “Em hiểu được khoảng bao nhiêu phần trăm?”. Em trả lời: “Em hiểu hết! Anh có thể nói nhanh hơn!”.

Hương làm tôi thực sự thán phục. Khả năng nói của em chưa thực sự tốt nhưng khả năng nghe thì đáng nể. Không những thế, Hương rất chịu khó học hỏi. Gặp câu thành ngữ, tục ngữ nào, em cũng nhờ tôi giảng giải đầy đủ ý nghĩa rồi ghi vào smartphone. Dù em không thổ lộ nhưng rõ ràng, với tình yêu, niềm đam mê khám phá ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam, dải đất hình chữ S đã trở thành một phần trong em.

Tới trước cổng Nhà thờ chính, chợt Hương dừng lại, bảo tôi vào một mình. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, em giải thích, theo quy định, phụ nữ Công giáo khi vào nhà thờ phải dùng khăn che mái tóc của mình. Hương không mang khăn, vì thế em sẽ chờ tôi ở ngoài.

Không một chút đắn đo, tôi cởi chiếc khăn yêu thích của mình đưa em. Hương đội lên, mái tóc vàng óng ả chạy tông với chiếc khăn nâu sáng hợp đến kỳ lạ. Dường như, chiếc khăn được sinh ra, “du ngoạn” tới Moscow chỉ để dành cho em.

Thêm một sự trùng hợp kỳ lạ, trong câu chuyện trên đường tới Nhà thờ chính, tôi được biết, hôm ấy chính là ngày sinh nhật Hương. Tôi đã nghĩ đến việc tặng em hoa và quà. Nhưng thú thật, lạ nước lạ cái, dẫu sẵn lòng nhưng trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, tôi không biết xoay sở ra sao. “Vụng chèo khéo chống”, tôi thú thật: “Anh biết ngày sinh nhật của Hương quá muộn mằn. Nếu em không chê món quà cũ kỹ này, xin tặng em để có chút nhớ nhau!”.

Mắt Hương long lanh, lấp lánh một niềm vui. Em bảo, em yêu chiếc khăn ấy, em sẽ giữ gìn nó như một kỷ vật...

Cuối. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”. Thuở còn đi học, câu thơ của Chế Lan Viên được chúng tôi thuộc lòng như cháo chảy. Giờ, đi qua nửa đời người, mới thấm cái sự ở của nhà thơ. Một tháng ở Moscow chỉ là cái chớp mắt đối với một đời người. Thế nhưng, khi những trải nghiệm đã chạm tới nơi sâu lắng nhất, cái chớp mắt ấy lóe lên thành một vầng sáng. Những con người Nga hiện đại vẫn nhiều phần là những con người Nga Xô viết. Họ vẫn dành cho người Việt một tình cảm đặc biệt. Họ vẫn đón những người Việt trên mảnh đất của mình như những người thân lâu ngày gặp lại. Còn với riêng tôi, đã có những kỷ niệm nhẹ nhàng mà sâu lắng với đất và người ở xứ sở bạch dương...

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này