Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Ông kể cháu nghe: Kỳ 31. Chuyến đi công tác nước ngoài cuối cùng. Chuyến đi châu Úc 2003 (29/06/2019)

Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua kể từ ngày ông có chút may mắn tới nước Úc. Số là ông được phân công làm tổng thư ký của Hội đồng KHCN của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnamairlines corporation. Đoàn gồm có 5 người (ông Khoát vẫn là trưởng đoàn, ông Châu, ông, ông Hiệu và bà Châu trong tổ thư ký của Hội đồng KHCN) đi khảo sát kinh nghiệm tổ chức và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh trong một hãng hàng không. Mọi thủ tục xin visa không phiền phức như chuyến đi Mỹ năm 2002. Đoàn đi Nội Bài, bay vào sân bay Tân Sơn Nhất và bay tiếp sang Úc.

Hồi bé tý, khi đã biết đọc biết viết ông thường rất hay xem bản đồ, đơn giản vì ông nội của ông vẽ hai tấm bản đồ - bản đồ Đông Dương ở một bên và bản đồ thế giới ở một bên trên tường ngoài thềm. Bản đồ Đông dương thì dễ nhớ thôi, chỉ có ba nước Việt Nam, Lào  gọi là Ai Lao) và Campuchia (gọi là Lục Chân Lạp). Bản đồ thế giới thì phức tạp hơn nhiều, năm châu gồm Châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại dương (châu Úc) và các đại dương là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương - Năm châu bốn biển, ấy là hồi bé ông biết thế. Tên một số nước thì gọi khác bây giờ, ví dụ như Canada thì gọi là Gia Nã Đại, Mexico thì gọi là Mễ Tây Cơ, Braxin thì gọi là Ba Tây…, còn ở châu Âu thì Bungari gọi là Lục gia Bảo, Rumani thì gọi là Lỗ Mã ni, Hungari thì gọi là Hung Gia Lợi, Nga thì gọi là Nga La Tư, Siberi thì gọi là Tây bá lợi Á… nhiều lắm và ông không thể nhớ hết.

Lần này sang Úc, ông chỉ hình dung đó là một châu lục chỉ tương đương về diện tích với Trung Quốc và đứng độc lập trên biển Thái Bình Dương. Sau gần 8 giờ bay đoàn xuống Sydney bên bờ biển phía đông của Úc. Đây là một thành phố lớn, quanh năm mát mẻ. Đại diện của Vietnamairlies thu xếp cho đoàn ở tại một quán trọ của một người Hoa, giá cả cũng bình dân, 60 đô Úc một đêm. Đây là lần đầu tiên ăn sáng với món cháo trứng vịt muối, nói thật là ông không thích món này. Theo lịch làm việc thì đoàn chỉ lưu lại đây 2 ngày gì đó, thăm thú thành phố, ngắm nhà hát mái “Con Sò”, đi bát phổ và xem cảng Harbour. Ông không còn nhớ nhiều về thành phố này vì đoàn sẽ làm việc chính ở thành phố Melbourne.

Sau đó đoàn rời Sydney để tiếp tục chuyến công tác về thành phố Melbourne. Lần này bay nội địa, vé không thành vấn đề vì ở Hà Nội ông đã xin được vé trao đổi của hãng hàng không Qantas Airline, ông Hiệu là phó chánh văn phòng đối ngoại của Tcty nên ông biết rất nhiều thứ, các hãng đều có một số vé dành cho đối ngoại, vậy thì hà cớ gì lại không tận dụng nó.

Đoàn đã bay qua Canberra để tới Melbourne, tuy là thủ đô của Úc, nhưng nghe nói nó nhỏ thôi, chỉ có các cơ quan chính phủ ở đó và dân số tất nhiên là không đông. Chỉ khoảng 45 phút là đoàn tới sân bay Melbourne, đây là thành phố lớn thứ hai ở Úc, tập trung nhiều trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học. Đoàn đã trao đổi với phía bạn nhiều vấn đề, từ vấn đề phòng chống cháy nổ, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay và các khí cụ bay, vấn đề đào đạo nguồn nhân lực cho hàng không, việc tham gia giảng dạy của các nghiên cứu viên tại các trường đại học… và được họ trả lời thẳng thắn. Ông Hiệu kiêm phiên dịch luôn. Ông ấy hỏi ông có hiểu không, ông trả lời hiểu nhưng không hiểu hết vì họ phát âm không giống Anh cũng không giống Mỹ. Ông Hiệu cười và giải thích thêm ở Úc không có phương ngữ (cách nói theo vùng miền), nhưng họ nói giọng nặng, ví dụ như very nice thì thành như là very noice, ông ấy bảo mình học master tiếng Anh ở Canberre một năm, và ông thấy ông ấy nói có lý khi ông nghe buổi phát thanh tiếng Anh của Vnews của TTX Việt Nam, các phát thanh viên đa phần được học ở Úc thì phải. Ông không dốt đặc cán mai tiếng Anh, nhưng nghe mãi rồi cũng quen dần cách phát âm của họ. Đoàn đến đại học RMIT (đại học hoàng gia), họ tiếp đón rất chân tình, đoàn ta trao đổi cũng rất thẳng thắn. Bên lề những buổi trao đổi chuyên môn ấy đoàn vẫn có những giờ nghỉ đi dạo phố và xem người dân nơi đây sống ra sao. Đoàn ta ở trong một khách sạn tầm trung ở đại lộ Victoria, đủ tiện nghi, có bếp nấu ăn nên cũng không quá tốn kém. Ở quầy tiếp tân bao giờ cũng có một đĩa táo và ông luôn hỏi có lấy ăn được không thì nhân viên luôn mỉm cười, các vị cứ tự nhiên. Ông thích điều đó, nhưng táo thì ngon, ngọt nhưng không thơm, ông thắc mắc thì được giải thích rằng táo Úc không thơm vì để tránh côn trùng và sâu bọ phá hại, và ông chỉ biết thế và họ đã làm như thế.

Những lúc rỗi rãi bọn ông cũng đi dạo phố. Họ cũng kinh doanh đồ uống và fastfood trên vỉa hè nhưng rất trật tự, vẫn có chỗ cho người đi bộ hẳn hoi. Ở một số nơi ở Melbourne ông thấy có nhiều ruồi, chúng lao vào mặt người với tốc độ như tên bắn làm ta có cảm giác bị đau. Ông Hiệu bảo, đó là lý do tại sao người ở đây khi nói chuyện không bao giờ mở miệng to, ông cười và bảo à, hóa ra là như thế.

Bọn ông vẫn có dịp tiếp xúc với người Việt ở đây. Họ sang đây với nhiều lý do, mỗi người một kiểu, chẳng ai giống ai hết. Có người sang đây vì vụ người Hoa năm 1978, có người vì cơm áo gạo tiền, cũng có người vì lý do chính trị. Dù thế nào thì họ cũng tạo ra cộng đồng người Việt ở đây, có người phi chính trị, còn có những người thì vẫn mang nặng tư tưởng thù địch cộng sản. Có hôm một cháu sinh viên dẫn đoàn đi mua hàng, người bán hàng là một thanh niên người Việt, nói giọng Nam, khi nghe thấy mọi người nói giọng Bắc, cậu ta liền cau mặt và nhất quyết không giảm giá. Cháu sinh viên nổi xung và cãi nhau với cậu ta, bọn ông phải can thôi không mua nữa thì có làm sao? Ở Úc tuy có giá niêm yết nhưng vẫn có thể mặc cả để giảm giá, đó là điều mà lúc này ông mới biết, ở châu Âu không có chuyện như thế. Nhưng ông lại tự vấn, vì sao người Việt hay thù nhau lâu đến thế, và ông không biết phải trả lời thế nào cho phải.

Sinh viên người Việt sang Úc cũng đông, đa phần là họ có chí tiến thủ, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Vẫn có những trường hợp con nhà giàu sang đó chẳng chịu học hành, chỉ ăn chơi, lêu lổng và khi hết tiền thì lại gọi về: “bố mẹ ơi, con hết tiền rồi, gửi tiền sang đây cho con đi không thì con chết mất”. Họ cho con sang đây để khỏi xấu hổ với họ hàng và láng giềng, cho nó đi cho khuất mắt, chuyện buồn của không ít nhà.

Đi chợ chiều cũng có cái hay mà ở ta chắc là chưa có. Những đồ rau củ quả mua vào lúc cuối phiên thường rất rẻ vì người bán không thể mang về để hôm sau lại bán, và bọn ông biết điếu đó khi muốn mua thứ rau quả gì đó cho bữa tối và sáng hôm sau. Ông đọc báo Úc và biết Sadam Husein bị bắt, bị lôi lên từ một căn hầm, và thấy khi đã hết thời, và ngay hôm sau ra phố mua một tờ báo Úc tường thuật chi tiết vụ việc, được thì làm vua thua thì làm giặc.

Chuyến công tác ở Úc giúp ông học được nhiều điều, và khi về, ông lại phải viết báo cáo làm gì và làm như thế nào trong thời gian đoàn công tác tại Úc, và chỉ có như thế thì mới được thanh quyết toán tài chính. Ông không bịa chuyện và không thổi phồng giật gân, đã là quy chế, đã là quy định thì phải chấp hành, miễn là mình thấy trong lòng thanh thản là được. Thế giới này rất rộng lớn nhưng cũng rất nhỏ bé, chí ít là trong con mắt của ông. Đây là chuyến đi công tác nước ngoài cuối cùng của ông, lại bay về HN bằng máy bay của Vietnamairlines, ông không còn giữ thói quen viết nhật ký nữa, tất cả chỉ là những hồi ức còn nhớ được, nhưng chắc không có gì nhầm lẫn.

Hà Nội, ngày 24.5.2018

NKV

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này