Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Vụ khủng bố ở Paris: Paris – Tình người vượt lên nỗi sợ (17/11/2015)

Lời giới thiệu (NQT): Bà Trần Tố Nga, tác giả bài báo với bút danh Việt Hải dướí đây là nạn nhân của chất độc da cam trong chiến tranh, đang khởi kiện các công ty hoá chất  Hoa Kỳ sản xuất chất độc da cam/ dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Vụ kiện Trần Tố Nga nổi tiếng thế giới vì là cơ hội đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhưng đó là chủ để khác. Hôm nay, được sự đồng ý trực tiếp của tác giả,  chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bài viết của bà Trần Tố Nga về sự kiện nóng hổi mới xảy ra nơi bà đang sinh sống: Vụ khủng bố ở Paris.   

http://secviet.cz/anhbai/2015a/at.JPG

Bốn người "miền nam" xưa: Từ trái sang phải: Nhà báo Syruček, người đã đi chiến trường và viết hàng trăm bài báo về miền nam; bà Trần Tố Nga, người khởi kiện vụ kiên nổi tiếng thế giới về chất độc da cam; (người trẻ nhất, ít thành tích nhất) Nguyễn Quyết Tiến, phiên dịch cho Đại Sứ quán Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ở Praha thời 1972-1976; ông Bùi Đức Lại, một trong ba tác giả Từ điển Séc-Việt đầu tiên (1967), người đã phiên dịch cho Đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ở Praha những năm 1960.

Paris trở thành trung tâm của những mối quan tâm, của những sẻ chia, cảm thông trên toàn thế giới.  Riêng tôi đã nhận được nhiều, rất nhiều thư nhắn, điện thoại của người thân, bạn bè khắp năm châu, nội dung gần giống nhau: mẹ, cô, chị, dì… có an toàn không?

Báo chí đã nêu tin, tường thuật tin tức chi tiết từng diễn biến của cái đêm kinh hoàng ấy nhưng hai ngày qua, lòng tôi vẫn có những cảm xúc khác, những cảm nhận khác.

Ngay chiều qua, chỉ 16 giờ sau những tiếng nổ đầu tiên, dù chính quyền đã ban lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập trước nhà hàng Carillon và Le Petit Cambodge, nơi 18 người đã bị sát hại trong lúc họ đang yên bình chuyện trò quanh bàn cà phê hay một bữa ăn cuối tuần, thưởng thức một chiều thu đẹp, rất nhiều người đã lẳng lặng đặt một nhành hoa, đốt một ngọn nến tưởng niệm. Những dòng nước mắt lăn dài …

Hàng người đến hiến máu càng về trưa càng dài tại các bệnh viện, không chỉ những người đang làm việc nhanh chóng bỏ cả ngày nghỉ để trở về nhiệm sở, mà các bác sĩ, y tá, hộ lý về hưu cũng tự nguyện về nhận bất kỳ việc gì cần đến họ.

Lòng người không yên khi tất cả các đài thông tin, truyền hình đã thay toàn bộ chương trình để thông tin từng phút, từng giờ với những con số tử vong ngày càng tăng và đã lên tới con số 129 người bị giết và 362 người bị thương, trong đó có 99 người đang ở ranh giới của thần chết. Và phần lớn họ là những người trẻ tuổi, cuộc sống vài giờ trước đó vẫn đang rạng rỡ phía trước.

Họ đang đi thư giãn sau một tuần học hành, làm việc miệt mài, tự thưởng những giây phút thoải mái với bạn bè cùng trang lứa. Họ đã đi nghe buổi hòa nhạc với tất cả niềm vui sống và yêu nghệ thuật để rồi nhận lãnh những viên đạn mà chưa kịp giải thích vì sao họ phải chết.

Ngày hôm nay cửa hàng, chợ búa, tàu điện ngầm vắng hẳn nhưng tại những nơi đã xảy ra thảm sát, quảng trường République, nơi chỉ cách đây 9 tháng đã chứng kiến cuộc diễu hành khổng lồ của 2 triệu người sau cuộc thảm sát toàn bộ lãnh đạo của Charlie Hebdo, và là nơi chỉ một ngày trước đây là một trong những điểm nổ súng của khủng bố, trước nhà hàng Carillon và Le Petit Cambodge và đặc biệt trước nhà hát  Bataclan, dòng người đến tưởng niệm ngày càng đông mặc cho lệnh giới nghiêm. Họ không chỉ là người Paris hay dân sở tại mà nhiều người đến từ xa, bị thôi thúc bởi ý nguyện muốn đến tận nơi để nói lên nỗi tiếc thương người đã mất nhưng cũng để nói lên ý chí không cúi đầu của người dân Paris, người dân Pháp. Không khí trầm lắng, trang nghiêm. Nhiều người mang cả con nhỏ đến để các cháu tự thắp nến, tự đặt hoa.

Có cả những bài thơ, những lời nhắn  gởi… Và rồi bỗng nhiên các đám đông náo loạn, nỗi kinh hoàng như vết dầu loang, từ quảng trường République đến các nơi khác, mọi người bỏ chạy trong nỗi hoảng sợ dù không biết báo động đến từ đâu. Mới biết là tinh thần vẫn rất căng thẳng, nỗi lo sợ của đêm 13-11 vẫn còn mới nguyên nhưng tình người đã vượt lên cả nỗi lo sợ ấy.

Trong chốc lát, quảng trường và các nơi vắng tanh. Vài phút sau khi biết rằng đó chỉ là báo động giả, người ta lại quay về tiếp tục đứng lặng. Đây đó, quốc ca Pháp và một bài hát thời kháng chiến chống phát xít Đức được cả trăm người hòa giọng.

Chiều nay, chùa Khuông Việt và nhiều chùa khác làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong, cầu an cho các nạn nhân bị thương hoặc đang giữa cái sống và cái chết. Và ngay lúc tôi viết những dòng này, tại nhà thờ Đức Bà Paris, một lễ lớn do chính một hồng y cử hành cầu nguyện cho tất cả nạn nhân. Người đến dự tràn ra ngoài vì bên trong nhà thờ đã quá đông.

Một hình ảnh của đêm 13-11 cứ hiển hiện trước mắt tôi, hình ảnh những người đến xem trận đấu bóng hữu nghị Pháp - Đức chưa được đưa ra khỏi sân vận động. Khi biết tình hình cụ thể, họ đã nắm tay nhau hát vang quốc ca như một trả lời hùng hồn, đanh thép cho những kẻ khủng bố và những kẻ cầm đầu khủng bố. Hình ảnh ấy đưa tôi về với những năm tháng kháng chiến, tù đày của bao nhiêu người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, khi mà chỉ cần cất tiếng hát: "Đoàn quân Việt Nam đi" thì họ có thể có nguy cơ bị tra tấn dã man, bị nhốt vào xà lim… nhưng hôm nay La Marseillaise được hát ngay trong không khí khủng bố.

Đêm nay, một ngọn nến đã được thắp và đặt trên cửa sổ của mỗi nhà, làm nên một vòng thân ái khổng lồ gởi đến những nạn nhân của khủng bố và một lời nhắn gởi cho thế giới về lòng người dân Paris trong những ngày thương đau này .

Tin cuối cùng, trong số 99 người bị thương nặng, 42 người đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, 35 người vẫn đang chiến đấu với tử thần và 3 người đã chết, nâng tổng số người chết lên 132.

Việt Hải (Tố Nga), Paris, 15.11.2015

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này