Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Bà giáo Ba Lan (04/06/2015)

Năm 1967, tôi được đi du học tại Ba Lan. Năm đầu là năm học tiếng Ba Lan. Bà giáo dạy tiếng đồng thời là chủ nhiệm lớp tôi là cô Mila Tesz. Bà đặc biệt yêu quý Việt Nam.

Cô hơn chúng tôi 6-7 tuổi. Tình cảm của cô đối với chúng tôi như của người chị trong gia đình với các em. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà giáo ra đầu cầu thang hút thuốc lá và khóc một mình sau khi bà khuyên bạn Quỳ của lớp tôi về ký túc xá nghỉ vì bạn tôi vừa nhận được thư báo tin người thân trong gia đình chết trong một trận bom. Buổi học hôm đó, cô giảng về cuốn sách "Những lá thư viết dưới máy chém” của những tù nhân Ba Lan viết cho người thân trước ngày bị hành hình trong các trạm giam của phát xít Đức. Bài học thẫm đẫm nước mắt và đầy tính nhân văn.

Năm học kết thúc, trong buổi chia tay, cô nói: "Tôi rất yêu các em, Tôi chỉ như người chèo đò đưa các em vượt qua con sông ngôn ngữ vô hình ngăn cách hai dân tộc, bên kia bờ, các em và người Ba Lan sẽ nói chuyện được với nhau và hiểu nhau. Đấy là niềm hạnh phúc của tôi. Hôm nay, chia tay, tôi cầu chúc hòa bình cho Việt Nam và mong các em sẽ gặp được mẹ của mình trong ngày trở về". Chúng tôi, ai cũng đều xúc động. Sau năm học tiếng, chúng tôi theo học chuyên ngành tại các trường đại học ở nhiều thành phố khác nhau trên đất nước Ba Lan, chỉ có thể thăm hỏi bà qua những lá thư và thiếp chúc mừng.

Năm 1973, anh Cường, người bạn cùng lớp học tiếng với tôi không may mắc bệnh viêm màng não và qua đời tại thành phố Krakow. Chúng tôi rất muốn báo tin cho cô mà không có địa chỉ vì trung tâm dạy tiếng đã giải thể. Cường là người sinh viên mà cô rất yêu thương.

Năm 1999, trong chuyến đi công tác tại Ba Lan, chúng tôi sắp xếp công việc để về Krakow thắp hương cho Cường. Chúng tôi cầu mong bạn được an nghỉ ở Việt Nam. Vừa khấn xong thì thật lạ kỳ, cả bát hương bốc cháy.

Năm sau, chúng tôi tìm đến nhà Cường theo địa chỉ từ ngày còn cùng học và rất xúc động khi nghe chị của Cường kể: "Gia đình chị chỉ có 2 người em trai, anh trai Cường thì hy sinh trong chiến đấu ở miền Nam, còn Cường thì mất tại Ba Lan. Mẹ chị khóc nhiều lắm, cho tới khi mất mẹ vẫn tin là Cường còn sống. Bố chị viết trong di chúc nhắc cả nhà phải nhớ còn một người em đang an nghỉ xa quê hương, hãy cố đưa em về".

Câu chuyện gia đình Cường đã thôi thúc anh em chúng tôi liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp gia đình đưa hài cốt của Cường về an táng tại Việt Nam. Cuối năm 2005, mọi công việc được hoàn tất.

Đầu năm 2007, anh em lớp học tiếng họp mặt kỷ niệm 40 năm sang Ba Lan, chúng tôi cùng đi thăm mộ bạn Cường và đến nhà thắp hương trong ngày giỗ bạn. Anh Ngôn lớp trưởng của lớp nói rằng nếu mời được bà giáo Mila Tesz thăm Việt Nam để tri ân thì mới thật là trọn vẹn. Thế là cả lớp  ngồi bàn thảo kế hoạch đi tìm lại người chèo đò 40 năm trước.

Đi tìm lại bà giáo thật chẳng dễ vì cô Mila Tesz đã nghỉ dạy tiếng Ba Lan và đi nơi khác. Trong lớp, chỉ có anh Tô đang làm việc tại Ba Lan, chúng tôi đề xuất với anh đi tìm lại các thầy giáo dạy tiếng khác của trung tâm để hỏi thăm. Nhờ một bà giáo, chúng tôi biết được tên thành phố quê hương của cô Mila Tesz là Tomaszow Mazowiecki. Thành phố này chỉ có vài vạn cư dân nên anh Tô quyết định sẽ tới thành phố đó, tìm mua cuốn danh bạ điện thoại và gọi tới tất cả những người có họ là Tesz (họ không phổ biến ở Ba Lan).

Tại hiệu sách đầu tiên anh Tô vào tìm mua danh bạ điện thoại, bà chủ cửa hàng cho hay có một người bạn họ Tesz nhưng không phải là giáo viên, mà là nhà thơ. Anh Tô mừng lắm lấy điện thoại gọi theo số được cho, thật may mắn không ngờ, đó chính là bà giáo của chúng tôi. Câu chuyện về Cường và gia đình được kể lại đã làm bà giáo rất xúc động, cô lặng đi một hồi rồi nhận lời đi thăm Việt Nam.

Trong buổi gặp mặt đầu tiên trên đất Việt với các học trò cũ, bà giáo ôn lại những kỷ niệm xưa ở lớp học với trí nhớ tuyệt vời. Cuối buổi gặp, cô nói: "Hạnh phúc là tất cả các em đã trở về nhà, cả Cường cũng đã trở về". Ngày hôm sau, chúng tôi đưa bà giáo tới nghĩa trang Tây Tựu, thăm mộ Cường. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên và xúc động vô cùng là những hiểu biết của bà giáo về phong tục Việt đối với người đã khuất, cũng như nhận ra vì sao mọi người  gọi bà là nhà thơ.

Bà đem tới mộ một bó hoa trắng, một thẻ hương và đọc một bài thơ của chính mình trước mộ người học trò, đọc xong bà khóc rồi tự tay bật lửa hóa bài thơ đó. Hình ảnh bà khóc làm chúng tôi chẳng ai cầm được nước mắt. Tôi đã xin bà dịch bài thơ ra tiếng Việt để trao lại cho gia đình Cường. Chị Phong là chị cả của Cường nắm tay bà giáo nói: "Bố, mẹ và Cường được an ủi nhiều lắm dưới suối vàng, Bà giáo ạ".

Có những người vội vã ra đi

Cánh cửa sau lưng còn chưa kịp khép

Dòng đời cứ trôi và chúng tôi cứ đợi

Đợi mãi sự trở về, đợi... đợi mãi, Cường ơi

Mùa thu còn ở rất xa xôi

Gió mạnh, lá xanh đã rụng rồi

Thương em, khóc có bao bạn hữu

Có cả mẹ em, có cả tôi

Từ Ba Lan, em trở về đất mẹ

Từ Ba Lan, tôi tìm đến thăm em

Đứng trước mộ, đôi mắt tôi nhòa lệ

Cố gắng nhìn sao chẳng rõ hình em

Bỗng tự thinh không tôi nghe tiếng học bài

Tiếng em đọc và cả hình em nữa

Em đã trở về giữa nắng chói trưa hè

Đã trở về rồi, người học trò hiền lành nhỏ bé của tôi.          

Ngày chia tay trở về Ba Lan, bà ôm hôn từng đứa học trò chúng tôi và nói: "Cảm ơn các em, cảm ơn các em đã nhớ về người chèo đò 40 năm trước". Còn chúng tôi thì thật hạnh phúc vì đã tìm được và tri ân người giáo viên đã cho chúng tôi những bài học thẫm đẫm tình người.

Quốc Thắng, Hà Nội (vnexpress)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này