Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Những cung bậc cảm xúc ở Moscow (21/05/2015)

Moscow của tôi là mối tình đầu dang dở, đậm sâu và ướt nhòa nước mắt... Những hoài niệm, ký ức, nhớ thương dẫu rằng có to lớn đến đâu cũng sẽ nhường chỗ cho cuộc sống thực tại. Cuộc đời mỗi con người như một tấm ảnh đầy những mảnh ghép chắp vá vào nhau... Mỗi mảnh ghép là một câu chuyện, là một ký ức, một khoảnh khắc, một hoài niệm... Có những mảnh ghép to, nhỏ, đẹp xấu khác nhau nhưng dẫu sao ta cũng vẫn muốn nâng niu và trân trọng tất cả, bởi chính những mảnh ghép không thực sự trọn vẹn ấy đã tạo nên một thứ mà ta gọi là tâm hồn, biết yêu ghét, biết muộn phiền, biết nhớ thương.

Moscow với tôi là một mảnh ghép như thế. Nó không hẳn vui cũng không hẳn buồn, khi nhớ về nó tôi không hẳn yêu mà cũng không hẳn ghét, không hẳn và không thể chắc chắn một cảm xúc  gì, chỉ biết rằng tôi thực sự không thể quên Moscow mà thôi. Những ký ức, hoài niệm, trải nghiệm... tất cả đã tạo nên một mảnh ghép thật to lớn mà nếu thiếu nó cuộc đời của tôi chẳng bao giờ là trọn vẹn.

Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Moscow là một buổi chiều mùa đông. Trước đó, hệ thống điện tử trên máy bay thông báo nhiệt độ ngoài trời là -3 độ C. Tôi cảm thấy thật sự lo lắng bởi trên người lúc ấy chỉ có vẻn vẹn một chiếc áo sơ mi, bên ngoài là một chiếc ghile mỏng. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, - 3 độ của Moscow chỉ hơi se lạnh, tuyết rơi nhẹ, cảm giác khá dễ chịu.

Nhưng đó cũng chỉ là những ngày đầu khi mới lập đông. Cuối tháng 1, đầu tháng 2 khi mùa đông lên đến đỉnh điểm thì -3 độ quả là một nhiệt độ đáng để mơ ước. Gió tuyết mạnh từng cơn sắc nhọn như lưỡi dao lam, hồ nước đóng băng tạo thành những con đường rải nhựa trắng. Trong những ngày ấy, nếu  ra đường mà lỡ quên găng tay, chỉ cần 10 phút sau, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ không còn cảm nhận được đôi tay mình nữa bởi nó cứng đờ như đá. Đôi khi chính thứ đó sẽ làm bạn đau nhức đến mức muốn khóc thét lên.

Trời mùa đông thường tối rất nhanh, chỉ khoảng bốn giờ chiều là ánh sáng mặt trời đã nhạt dần. Nếu bạn đi ra đường nghe gió rít lên từng cơn nhưng mặt người thì không thể nhìn rõ được nhau. Cảm giác ấy đôi lần khiến tôi rờn rợn. Chẳng biết tại sao, có lẽ tôi là người vốn không ưa bóng tối.

Nhưng cũng may mắn rằng tôi là nghiên cứu sinh nên thời gian ở ngoài trời cũng ít, chủ yếu là ở trong nhà, trong trường với hệ thống lò sưởi đầy đủ. Cái gọi là trải nghiệm mùa đông chỉ là một quãng đường tầm 150 m đổ lại, đi bộ từ metro tới trường, chỉ nhỏ nhặt vậy thôi mà cũng thấy ngao ngán. Thế nên thực lòng tôi không khỏi xót xa mỗi lần đứng trên tầng cao cửa sổ nhìn xuống. Ngoài kia những con người Trung Á dù rằng không chung nguồn gốc, không cùng màu da vật lộn dưới cái giá rét khắc nghiệt để xúc tuyết, đập băng làm lối đi cho mọi người.

Tôi còn nhớ sắc mặt của họ, có người tái, có người thì ửng đỏ, nhưng không phải ửng đỏ như má thiếu nữ, mà đỏ vì bỏng lạnh... Cũng có đôi lần tôi cảm thấy lòng ngậm ngùi khi bắt gặp một số người già, người khuyết tật và thậm chí cả những phụ nữ mang thai thu mình ở một góc nhỏ, quỳ sụp xuống trong cái giá rét ấy, rồi đưa ảnh Chúa ra cầu xin những đồng rúp lẻ. Thế mới biết, với cuộc sống mưu sinh thì chẳng nơi đâu là thiên đường.

Tôi may mắn vì có vốn tiếng Nga tốt nên đi làm phiên dịch ở chợ. Người Việt Nam qua Nga chủ yếu tập trung trong những khu chợ, làm đủ thứ nghề. Từ buôn bán, đến hớt tóc, massage, gội đầu... Nói là ở Nga chứ thật sự nó không khác gì một Việt Nam thu nhỏ, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, toàn người Việt giao tiếp với nhau, sự khác biệt nếu có chỉ là giấy tờ tùy thân, mà điều này thì đa phần lao động phổ thông đều lo sợ bởi số nhiều là lao động chui.

Khi đi làm, tôi được tiếp xúc nhiều với những con người khác nhau và mỗi người là một câu chuyện giúp tôi thấu hiểu hơn những thăng trầm khi phải tự bươn chải kiếm sống nơi xứ người, mà điểm xuất phát của nó là những con số không tròn trĩnh. Mọi thứ từ con số 0 tròn trĩnh, không tri thức, không tiền bạc, không bạn bè, không người thân...

Tôi quen một cô tuổi gần 50, trông cô khá khắc khổ. Cô đã ở Nga gần 30 năm và hiện cô là chủ của một tiệm gội đầu nhỏ. Đối với cô thì đó có thể gọi là thành công, nhưng cái giá phải trả thì tôi cho rằng không nhỏ. Dạo trước cô đi buôn rồi trốn ở lại đi làm. Cô kết hôn với một người gốc Nga trong chợ để có cơ hội hợp pháp hóa quốc tịch.

Từ đó trở đi, những đứa con không thèm nhìn mặt mẹ bởi chúng nghĩ rằng mẹ đã phản bội ba để đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Nhưng có lẽ chúng cũng ít nghĩ rằng với những người phụ nữ tứ cố vô thân nơi xứ người như mẹ chúng, thì điều ấy có thể không là sự lựa chọn nữa mà là một điều bắt buộc, khi không còn một cách nào khác có thể tốt hơn.

Tôi cũng từng chứng kiến một trận cãi nhau nảy lửa giữa hai người làm công với nhau chỉ vì vài trăm rúp. Trong đó, người có hộ khẩu hợp pháp dọa người không có hộ khẩu là sẽ trình báo cảnh sát. Và anh ta đã làm thật. Thế là người kia bị trục xuất về.

Tôi còn nhớ, một ngày chiều 30 Tết (người Việt tuy ở Nga nhưng rất coi trọng và gìn giữ Tết truyền thống, nên họ coi lịch âm y như ở nhà), tôi ra chợ đợi một người bạn. Tôi vô tình nghe tiếng khóc của một cô gái gọi điện về cho gia đình vì cô bị một người bạn thân lừa 1.000 USD khi nhờ bạn đánh hàng về Việt Nam.

Chiều 30 Tết, cô bị đuổi khỏi nhà thuê vì quá hạn trả tiền nhà, trong túi chỉ còn 500 rúp. Cô ngồi trước cửa hàng người ta nhưng họ cũng sắp đóng cửa về chuẩn bị cúng cho ngày 30. Tôi càm thấy bối rối thật sự. Nghĩ cũng buồn. Cùng là người Việt với nhau, tha hương cầu thực, làm ăn kham khổ cũng chỉ mong có đồng ra đồng vào mang về cho gia đình, vậy mà chỉ vì vài trăm rúp lại cấu xé lẫn nhau... Nhưng trách đi thì cũng phải nghĩ lại, tìm một lý do để cảm thông bởi đồng tiền làm ra trong hoàn cảnh của họ, giá trị của nó lớn lắm, đúng nghĩa của mồ hôi và nước mắt. Thế mới biết đôi khi cuộc sống không thể phán xét nếu chỉ nhìn qua lăng kính của sự nhân văn...

Moscow cũng là mối tình đầu của tôi. Một ngày khi tôi hớt ha hớt hải chạy vào phòng thí nghiệm tìm giáo viên để xin ý kiến. Thấy em, tôi tưởng là con nhóc sinh viên nào đó, tôi lớn giọng "sinh viên vào phòng này làm gì", em quay lại mỉm cười nhẹ, im lặng, không trả lời. Sau đó tôi mới biết em là trợ giảng của giáo viên. Tôi cảm thấy hơi xấu hổ và tự cười bản thân mình. Chúng tôi quen nhau từ đó, em - người con gái Nga nhưng mang trong mình tính cách Á Đông, bẽn lẽn, e thẹn và có phần yếu đuối...

Tôi và em thực sự đã có những kỷ niệm rất đẹp, gắn liền với những buổi chiều Moscow êm đềm,  bên dòng sông phẳng lặng, nơi mà dọc hai bên bờ hoa táo nở trắng muốt... Chúng tôi thường im lặng ngồi bên nhau. Em hay ngả đầu vào vai tôi. Đôi khi tôi càm thấy em và tôi là một đôi tình nhân hơi đặc biệt, người Tây kẻ ta nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt là đã hiểu nhau muốn nói gì. Tôi hay nói đùa với em "chắc kiếp trước em là người Việt Nam rồi". Sau đó chúng tôi cùng phá lên cười. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, tôi từng nghĩ rằng sẽ không sống nổi nếu một ngày nào đó phải rời xa em.

Rồi em dẫn tôi về ra mắt gia đình. Gia đình em đã tiếp đón tôi khá lịch thiệp, nhưng tôi hiểu sâu thẳm trong suy nghĩ của họ, họ thực sự muốn gì. Điều ấy đã thể hiện rất rõ trong ánh mắt của mẹ em khi bà nhìn tôi. Một ngày kia, mẹ em hẹn gặp riêng tôi và bà đã nói thẳng với tôi những suy nghĩ của bà. Bà không muốn tôi và em tiến xa hơn nữa bởi tương lai sự nghiệp của em còn rất dài. Bà muốn em phải có một vị trí xứng đáng trong xã hội. Đó là điều mà với thân phận của mình, tôi không thể hứa hẹn với em.

Chuyện gì đến cũng phải đến. Một buổi chiều lập xuân, cũng bên dòng sông Moscow êm đềm, chỉ khác rằng lần này sự im lặng của cả hai chúng tôi thực sự đáng sợ. Tôi đã để em nói lời chia tay. Cảm giác trong tôi lúc ấy thật nặng nề và ngột ngạt. Tôi buồn da diết. Đôi mắt tôi nhòe đi. Tôi im lặng và im lặng cho đến khi ánh hoàng hôn dần tắt. Em nói rằng hãy quay lưng rồi bước đi thật nhanh và hứa với em đừng ngoảnh mặt lại.

Tôi làm theo lời em trong vô thức nhưng chưa đi đủ hai bước, tôi đã quay ngoắt lại và bật khóc. Em cũng thế, nước mắt ướt đẫm trên bờ mi xanh biếc. Chúng tôi chạy lại, ôm lấy nhau thật chặt, một cái ôm  từ biệt. "Julia , hãy nhìn thẳng vào mắt anh và hứa với anh rằng em nhất định phải hạnh phúc", đó là câu cuối cùng tôi nói với em. Buổi tối ngày hôm ấy, tôi đi lang thang, lòng vô định, không tỉnh, không mê... Tôi lang thang cho đến khi trời sáng.

Thế đấy, Moscow của tôi thấm đẫm những cung bậc cảm xúc khác nhau, những ưu tư, trăn trở, phiền muộn về cuộc sống mưu sinh của hàng vạn con người. Moscow của tôi là mối tình đầu dang dở, đậm sâu và ướt nhòa nước mắt... Rồi tất cả sẽ qua đi, hoài niệm, ký ức, nhớ thương dẫu rằng có to lớn đến đâu rồi cũng nhường chỗ cho cuộc sống thực tại.

Khoảnh khắc chỉ đôi lúc ùa về khi ta rảo bước trên đường bất chợt nhìn thấy những ánh chiều đỏ nhạt, những cành hoa trắng hay một cơn gió lạnh vô tình tạt ngang. Moscow và em đến rồi đi, cả hai đều là những điều chưa thực sự trọn vẹn, nhưng sẽ mãi là những điều tuyệt vời trong sâu thẳm trái tim tôi.

Hoàng Nguyên Nguyên, Nga – (vnexpress)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này