Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Nồng nàn Praha (19/10/2014)

Tôi gặp Praha trong chặng cuối của chuyến hành trình Châu Âu. Từ sân bay Charles de Gaulle, chúng tôi đáp EasyJet đi Praha. Sau hai giờ, dải lụa xanh Vltava mềm mại uốn quanh thủ đô Cộng hòa Czech đã hiện dưới cánh máy bay trong nắng vàng đầu hạ. Ước mơ được nhìn thấy "Vương miện của thế giới" không ngờ lại thành hiện thực sớm thế, cảm giác hồi hộp hơn cả lần đầu chạm mặt Paris.

Màu của tâm trạng

Tại cửa sân bay, anh Thắng, người thân một thành viên trong đoàn đã chờ sẵn để đưa “bầu đoàn thê tử” chúng tôi về tư gia. Bước vào cửa, sộc lên mũi là mùi thơm hấp dẫn không thể tả, mùi của nồi nước dùng đang sôi. Chị Lan, “nội tướng” của anh Thắng thể hiện lòng hiếu khách với hương vị quê nhà của món bún thang cầu kỳ đúng kiểu Hà Nội. Anh Thắng sang Praha du học từ những năm 80 của thế kỷ trước rồi ở lại lập nghiệp, chị Lan sang đây cũng đã gần 15 năm. Anh chị đã bỏ hết công việc để làm “tour guide” suốt thời gian chúng tôi ở Czech.

Lâu đài Praha trong đêm.

Thời tiết Praha lý tưởng cho những chuyến dạo chơi “quần quật” cả chục cây số. Praha chia làm 22 khu vực. Nơi chúng tôi ở thuộc Praha 4, cách trung tâm chỉ khoảng 10 cây số. Điểm chúng tôi đến đầu tiên là ngọn đồi Strahov, vị trí đắc địa để ngắm toàn cảnh thành phố. Thủ phủ xứ Bohemia làm tôi liên tưởng đến Roma nhiều hơn Paris. Cũng giống như thành Roma được xây trên bảy ngọn đồi, Praha vươn mình trên chín ngọn đồi chạy dọc theo dòng Vltava thơ mộng. Sông Vltava chia Praha thành hai nửa không đều, phía tả ngạn là đồi Strahov gồm Hradcany và Mala Strana, khu trung tâm cổ với những tuyệt tác của nghệ thuật kiến trúc: Lâu đài Praha, hoàng cung, nhà thờ chánh tòa St.Vitus, Tu viện St.George, Cung điện Mùa hè… Bên hữu ngạn là Stare Mesto (khu phố cổ) và Nove Mesto (khu phố mới, trung tâm của Praha hiện đại) với những đại lộ thênh thang và Quảng trường Venceslas danh tiếng. Từ Strahov nhìn xuống, tôi ngạc nhiên đến thẫn thờ trước một rừng mái ngói đỏ au, hàng trăm ngọn tháp cao vút và những nóc đền vàng rực rỡ… Có lẽ vì khung cảnh lộng lẫy này mà Praha được gọi với nhiều danh hiệu mỹ miều: “Thành phố của trăm ngọn tháp”, “Thành phố vàng”, “Trái tim của Châu Âu”, “Vương miện của thế giới”... Có người nói Praha đẹp hơn Paris, tôi không nghĩ vậy, nhưng vẻ nồng nàn, cổ kính, lãng mạn và mỏng manh của Praha đã khiến trái tim tôi tan chảy. Phải chăng“Paris là người tình muôn thuở, còn Praha đã làm ta ngã lòng”?

Bức họa tuyệt tác

Nằm ở trung tâm vùng Bohemia cổ kính, Praha khoác lên mình nét trầm lắng hệt các bức tranh thời Phục hưng được các nghệ nhân trau chuốt hoàn thiện suốt ngàn năm. Vẻ đẹp hoài cổ của Praha làm cho bất cứ ai cũng thấy phải thật nhẹ nhàng với từng dấu tích lịch sử. Tôi nghe giai thoại kể rằng, khi quân phát xít tiến vào, biết không thể chống lại kẻ thù quá mạnh, những người lính đã buông vũ khí, chỉ xin quân thù đừng phá hủy thành phố của họ. Thế nên cả Châu Âu bị tàn phá nặng nề thì chỉ mình Praha bước ra khỏi thế chiến thứ hai vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Không rõ người Czech nghe câu chuyện này sẽ cười vang hay nhíu cặp lông mày? Nhưng với tôi, Praha quá đẹp nên những người yêu quý thành phố đã đánh đổi để tránh cho Praha không bị tổn thương.

Con đường đá cổ zic-zắc dẫn lên lâu đài Praha (Prazsky Hrad), lâu đài cổ kính và nguy nga được Hoàng tử Borivoj xây dựng theo kiến trúc Baroque hòa trộn với phong cách Bohemia, “viên ngọc quý” này là biểu tượng lâu đời nhất của Cộng hòa Czech, là Di sản thế giới từ năm 1992. Lâu đài có chiều dài 570m, chiều rộng 130m, diện tích gần 7ha chứa một quần thể bốn cung điện, bốn nhà thờ lớn, nhiều tòa nhà, tháp canh và các khu vườn rộng lớn. Hiện nay, lâu đài vẫn hoạt động với tư cách là trụ sở của Chính phủ Cộng hòa Czech. Vương miện Bohemia, bộ lễ phục dát vàng, thánh giá, thanh gươm nạm đá quý, các báu vật quốc gia đều được cất giữ ở đây. Tương truyền, vương miện Bohemia, linh vật quốc gia còn gắn với lời nguyền rằng kẻ nào tiếm quyền dám đội chiếc vương miện sẽ chết trong vòng 1 năm.

Có thể coi lâu đài Praha là cuốn sách lịch sử kiến trúc trong 1100 năm, với sự hiện diện của tất cả các phong cách kiến trúc từ Roman, Gothic, Baroque rồi Phục hưng, Rococo, Neoclasical (tân cổ điển)... Lâu đài được xây vào thế kỷ IX (năm 870), ngay sau đó là hai nhà thờ St.George và St.Vitus. Một cung điện theo kiến trúc La Mã được xây vào thế kỷ XII, dưới thời vua Charles IV, đến thế kỷ XIV, cung điện được sửa lại theo kiến trúc Gothic. Quần thể lâu đài cung điện cứ thế được xây cất, tu bổ và sửa chữa từ đó đến nay để trở thành quần thể lâu đài lớn nhất và cổ kính nhất thế giới. Nổi bật trong quần thể này là nhà thờ chính tòa Praha, còn gọi là đại thánh đường St.Vitus. St.Vitus là nhà thờ tráng lệ nhất Châu Âu, kỳ vĩ đến mức phải mất tới 6 thế kỷ để hoàn thiện. Điều thú vị là bên ngoài nhà thờ có kiến trúc Gothic nhưng bên trong lại mang kiến trúc La Mã cổ điển hình, đây cũng là nơi an nghỉ của các triều vua Bohemian, các vị giáo chủ với hệ thống lăng tẩm dát vàng tuyệt đẹp. Nhà thờ St.George thật khiêm nhường khi ở cạnh St.Vitus, nhà thờ cổ nhất thế giới này từng chịu hỏa hoạn lớn vào thế kỷ XII và đã được phục dựng như cũ; hiện nay, tu viện của nhà thờ St.George trở thành Viện Bảo tàng hội họa quốc gia, nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật Bohemia nổi tiếng.

Dấu ấn Golden Lane

Thú vị nhất là đến thăm “Hẻm vàng” (Golden Lane), nơi tập trung gần 30 ngôi nhà cổ truyền thống nằm gọn trong lòng lâu đài Praha. Khu phố cổ này được hình thành trên một rẻo đất hẹp chỉ rộng từ 4m đến 8m, được biết đến từ năm 1560 với tên gọi “Zlatnická ulicka” (Goldsmiths Lane). Các ngôi nhà ở đây xinh xắn, đặc biệt nhỏ bé không khác gì nhà của bảy chú lùn trong chuyện cổ tích nàng Bạch Tuyết. Nghe nói, khu vực này xưa kia là nơi ở của lính gác hoàng cung, để tiết kiệm diện tích người ta xây những ngôi nhà thật nhỏ bé. Nhưng tấm biển ghi lịch sử Golden Lane gắn ở đầu con đường lại cho biết, trong thực tế, cư dân của khu phố này gồm những người thợ kim hoàn và một số ít người có rắc rối với luật pháp, cái tên “Hẻm vàng” có lẽ xuất phát từ đây. Ngày nay, mỗi ngôi nhà là một bảo tàng thu nhỏ về các ngành nghề thủ công hòa quyện trong nét sinh hoạt gia đình người Czech truyền thống. Tận mắt thấy các vật dụng sinh hoạt trong gia đình những người thợ đóng giày, đóng móng ngựa, thợ rèn, thợ làm gốm, thợ may... từ 600 đến 700 năm trước là trải nghiệm thật khó quên. Nhưng đặc biệt nhất là ngôi nhà số 12 ở cuối con đường nhỏ bé chật hẹp, đây chính là nhà của Franz Kafka, một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX, bậc thầy của văn học hiện đại phương Tây. Bảo tàng Franz Kafka trung tâm Praha vô cùng hoành tráng nhưng đây là nơi ông đã sống và viết nên những tác phẩm vĩ đại. Những gì ông để lại là tài sản vô giá mà ngày nay loài người còn phải mang ơn ông.

Thế kỷ XX đầy sôi động, thế kỷ của hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng tàn khốc, văn học nghệ thuật nở rộ những cuộc cách mạng trong sáng tác, những trào lưu, trường phái mới ra đời: Trường phái biểu tượng, đa đa rồi trường phái siêu thực, vị lai… Franz Kafka không thuộc trường phái nào nhưng tác phẩm của ông là cái mốc của văn học thế giới. Đó là vì ông khai thác một mảng đề tài khó xử lý: Cái phi lý của cuộc đời. Với Franz Kafka, cái phi lý đã trở thành một đối tượng nhận thức, nó không chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội mà nó còn liên quan, thậm chí chi phối vận mệnh con người. Con người muốn tồn tại phải luôn đấu tranh để loại trừ nó, chính vì vậy cái phi lý của Franz Kafka là phi lý bi kịch, có khi cái phi lý ấy nằm ngay trong bản chất của sự sinh tồn. Cả cuộc đời, Franz Kafka luôn day dứt, nỗi day dứt ấy khắc sâu trên từng viên gạch của Praha, hằn trên bức tượng Áo măng tô không đầu của Jaroslav Róna trong khu phố cổ.

Hít thở không gian đậm đặc tính lịch sử và văn hóa nơi này, chợt ước nếu bạn bè trên thế giới đến với Hà Nội, được đặt chân đến nhà các danh nhân kẻ sĩ đất Kinh kỳ, những người đã làm nên hồn cốt Hà Nội như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… hẳn bạn sẽ cảm nhận một Hà Nội đẹp hơn, sâu sắc hơn và Hà Nội hơn. Sức hút của một vùng đất không chỉ ở những danh lam thắng cảnh, ở nghệ thuật, kiến trúc mà hơn hết là nằm ở lịch sử, văn hóa, ở nơi ghi dấu ấn của những văn nghệ sĩ, danh nhân văn hóa đã có cuộc sống gắn với thành phố ấy, với đất nước ấy.

Mảnh thời gian còn lại

Đi dọc theo con hẻm nhỏ, len lỏi giữa những cửa hàng bán rối xinh xắn và đồ lưu niệm, chúng tôi tới quận Hradcany, nơi có khu phố cổ và quảng trường Staromestske Namesti (quảng trường Old Town) đầy mê hoặc. Ở hầu hết các thành phố Châu Âu, mỗi khu trung tâm đều có một quảng trường rộng lớn, Praha cũng không ngoại lệ. Staromestske Namesti được bao quanh bởi những tòa nhà nghìn năm tuổi duyên dáng và kiêu hãnh, phô diễn các nét đặc trưng của kiến trúc Baroque, Gothic, Rococo, trong đó, tòa thị chính cổ và nhà thờ Đức Bà Týn xám đen với hai ngọn tháp vút cao lên bầu trời là hai kiến trúc nổi bật nhất.

Tòa thị chính được xây năm 1338, với chiếc tháp đồng hồ bốn mặt. Mặt phía nam, ngoài chiếc đồng hồ xem giờ trên nóc, phía dưới còn có thêm chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng Prazsky Orloj, được hoàn thành năm 1410, một trong ba chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới và duy nhất đến nay còn hoạt động. Trong vòng 600 năm qua, không sai một phút, cứ mỗi giờ, 12 vị tông đồ của chúa Jesus lại xuất hiện và chú gà trống vàng cất tiếng gáy vang (nhưng hiện nay, một ngày chỉ hai lần vào 12 giờ trưa và 6 giờ chiều, gà trống mới xuất hiện), vì vậy mà nhiều người gọi Staromestske Namesti là quảng trường Con Gà. Tương truyền, du khách nào được thấy gà trống vàng sẽ gặp may mắn trong suốt chuyến hành trình. Chúng tôi đã phải ba chân bốn cẳng mới kịp chứng kiến nghi lễ báo giờ nổi tiếng ấy. Đúng 12 giờ trưa, cánh cửa nhỏ bật mở, các nhân vật: thần Chết, tay cầm đồng hồ cát, dường như rất háo hức khi thời gian lại trôi qua cùng ba pho tượng, biểu thị cho tính tự phụ, lòng tham và niềm vui xuất hiện; tiếp theo là 12 vị tông đồ lần lượt đi một vòng như để kiểm tra cuộc sống nhân gian có gì bất ổn không. Khi chú gà trống bằng vàng cất tiếng gáy cũng là lúc hai chiếc kim chập vào nhau. Chính ngọ.

Cầu Tình, cây cầu lãng mạn ở Praha.

Thật thoải mái khi ngồi bệt trên vỉa hè một góc quảng trường, thong thả ngắm Prazsky Orloj, tận hưởng không gian sống động mà thư thái. Mặt đồng hồ thể hiện vòng tuần hoàn của các chòm sao qua 12 cung hoàng đạo và cách đo thời gian của người Czech xưa, nhìn Orloj, người ta có thể biết được các thời điểm trong ngày qua sự dịch chuyển của biểu tượng mặt trời, mặt trăng và trái đất. Tôi kinh ngạc bởi sự chính xác, nét tinh xảo của những con số La Mã và biểu tượng các chòm sao bằng đồng được chế tác từ cách đây 6 thế kỷ trên mặt đồng hồ. Truyền thuyết kể rằng, sau khi hoàn thành tuyệt tác này, người thợ đã bị chọc mù cả hai mắt để không thể làm thêm chiếc đồng hồ nào khác. Trong thế chiến thứ hai, chiếc đồng hồ lừng danh đã bị phát xít Đức phá hỏng, mãi đến năm 1950, sau rất nhiều công sức sửa chữa, đồng hồ mới chạy lại được. Rất nhiều người chờ xếp hàng để được leo lên đỉnh tháp đồng hồ, nghe đâu mất 150 kcz (tương đương 150.000đ) tiền vé, đây là nơi có thể phóng tầm mắt qua Old Town và sông Vltava đến tận lâu đài Praha bên kia đồi. Nhìn dòng người dài dằng dặc, tôi biết mình không có cơ hội đặt chân lên đỉnh tháp, nhưng bù lại tôi đã ôm được một Prazsky Orloj bằng gỗ chạm trổ tinh xảo, biểu tượng nổi tiếng nhất Praha về nhà với giá 20eur, quá hài lòng cho một kỷ niệm.

Bài thơ tình bằng đá

Rời quảng trường Con Gà, xuôi theo dòng người trên đường Karlova cổ là đến nơi hò hẹn lãng mạn nhất Praha: Karluv Most (cầu Charles hay cầu Tình, theo cách gọi của người Việt). Đây chính là cây cầu ấn tượng nhất Châu Âu, một kỳ quan kiến trúc thời trung cổ. Sáng sớm 9-7-1357, cách đây đúng 657 năm, vua Karls IV (Charles IV), vua xứ Bohemia và Saint Empire, vào lúc 5h31 đã bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng cầu, tôi nghe nói có một sự thú vị (theo chiêm tinh học) với những con số này, đó là sự sắp xếp của các số 1357-9-7-5-3-1. Kiệt tác nghệ thuật bằng đá do Peter Parler - kiến trúc sư người Đức và là thợ xây số một của nhà vua thiết kế, cây cầu đã phải mất tới 45 năm để hoàn thành (1357-1402). Ngày nay, có tới 18 cây cầu bắc qua sông Vltava nhưng trong suốt 600 năm trước, đây là cây cầu đá duy nhất nối liền đôi bờ.

Cây cầu dài 516m, rộng 9,5m, theo phong cách Baroque cổ nhất còn nguyên vẹn ở Châu Âu, có 16 trụ và 3 tháp cầu. Khi đặt chân lên cầu, tôi thực sự ngẩn ngơ về những gì đang hiển hiện trước mắt. Ngọn tháp hai đầu cầu: Staré Mesto (Old Town, phía Phố cổ) và Malá Strana (Lesser Town, phía lâu đài Praha) cao 40m sừng sững được xây trong 25 năm (với sự tham gia của 100 người chỉ làm công việc xẻ đá), làm choáng ngợp bất cứ ai chiêm ngưỡng. Staré Mesto là ví dụ điển hình của tòa tháp xây theo phong cách Gothic với các chi tiết trang trí điêu khắc tinh tế và cầu kỳ, hiện là một trong những chiếc tháp cầu đẹp nhất Châu Âu. 30 bức tượng thánh mà mỗi pho tượng là một giai thoại lung linh và xúc động được tạc bằng đá cẩm thạch mang phong cách nghệ thuật Maroc tô điểm cho lan can hai bên thành cầu, càng làm nổi bật nét cổ kính. Tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất có tên là Thánh Giá (1657), nằm gần cuối phố Old Town. Đẹp nhất và xưa nhất là tượng Thánh John Nepomuk (thứ tám bên phải khi đi tới phía lâu đài). Theo truyền thuyết, nếu ai chà tay vào tấm bảng đồng tại chân bức tượng, thì những nguyện ước sẽ thành sự thật và có ngày trở lại Praha. Lẽ tất nhiên là tôi đã không bỏ lỡ cơ hội góp phần làm cho tấm bảng đồng trở nên sáng bóng.

Trên cây cầu đậm màu thời gian, cứ vài chục mét lại thấy một đôi uyên ương hay cặp tình nhân tay trong tay, môi khóa môi thật say sưa. Có thể bởi vẻ đẹp quá lãng mạn, cổ điển của khung cảnh nơi đây khiến họ khát khao thể hiện tình yêu hoặc họ muốn tình cảm chân thành được cây cầu hơn 600 năm tuổi chứng kiến. Họ chính là nét lãng mạn nhất của cây cầu. Có phải vì thế mà người Việt ở đây đã đặt cho cây cầu một cái tên còn hơn cả lãng mạn: cầu Tình! Từ đây, ngắm nhìn toàn cảnh Lâu đài Praha trong ánh chiều tà, những tia nắng chảy nốt những sợi vàng mỏng manh xuống Vltava, các cặp uyên ương ngập tràn hạnh phúc trong tiếng vĩ cầm xao xuyến... Toàn cảnh Praha lãng mạn, mong manh như bức tranh được tạc trong khối pha lê Bohemia. Trên cầu Tình, từ thời điểm này, tôi biết mình đã ngất ngây với Praha.

Mãi là khúc hát đắm say

Người Praha yêu âm nhạc, đó là điều dễ nhận thấy. Trên phố, tôi luôn bắt gặp những nghệ sĩ chơi nhạc rong ruổi trên các nẻo đường, đó có thể là một violonist tự do, một tay chơi guitar phiêu lãng, một nhóm tam tấu đàn dây hoặc một ban nhạc hiện đại nào đó. Họ biểu diễn ở bất cứ đâu: trên đường phố, trên quảng trường, trong lâu đài…, còn trong các nhà thờ lớn, thường xuyên diễn ra các buổi hòa nhạc, có lẽ chủ yếu dành cho khách du lịch. Thường thì đó là những bản nhạc hoặc trích đoạn nổi tiếng, dễ nghe, dành cho tất cả mọi người, có thể là Four seasons của Vivaldi, Rusalka của Dvorak, Hungary Dance No 5 của Brahm hay From the New World , một bản waltz hoặc một tác phẩm của Smetana, Mozart… Những phong cách âm nhạc khác nhau từ cổ điển đến hiện đại mang đến sự hấp dẫn đặc biệt.

Nhà soạn nhạc thiên tài Mozart đã có một khoảng thời gian sống ở Praha và đây là thành phố được ông yêu mến nhất. Đầu năm 1787, lần đầu tiên tới Praha, Mozart được đón tiếp rất nồng nhiệt, bản giao thưởng số 38 mang tên Praha chính là món quà "đáp lễ" của nhà soạn nhạc vĩ đại gửi tặng thành phố hoa lệ và mến khách này. Praha thật có diễm phúc, vì ngay đến Vienna nổi tiếng, nơi Mozart đã sống thường xuyên và thành phố Salzburg quê hương cũng không có bản giao hưởng của riêng mình. Có ở Praha mới hiểu vì sao thành phố lại mang lại cho Mozart cảm hứng để sáng tác được những tác phẩm tuyệt vời đến thế. Mỗi con đường, mỗi căn nhà, mỗi nhịp cầu nơi đây đều dạt dào âm hưởng nhạc. Có người nói Vltava chính là dòng kẻ nhạc thầm lặng để thành phố ngân lên giai điệu Praha say đắm lòng người. Nhà soạn nhạc Bedrich Smetana, người con tài hoa của dân tộc Czech đã khiến cho dòng sông hiền hòa này nổi tiếng không kém gì sông Danube với bản giao hưởng Má Vlast (My Country - Tổ quốc tôi) gồm 6 chương, ca ngợi vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương đất nước ông, trong đó, chương hai mang tên "Vltava" (The Moldau), là bức tranh tráng lệ nhất về dòng sông Vltava. Không người Czech nào không biết bản nhạc này và nó luôn được chọn là khúc mở đầu cho Festival âm nhạc quốc tế Praha mỗi độ xuân về.

Trên cầu Tình, tôi đã chứng kiến hai nữ nghệ sĩ, một đệm đàn organ cho người kia hát, say sưa quyện vào không gian một trời thanh âm say đắm, dưới chân đàn là tấm bìa ghi hàng chữ "Not for money". Ồ, họ chỉ muốn mang đến cho đời những niềm vui. Và tôi đã mang theo niềm vui ấy trong hành trang rời Praha vào một chiều đầy nắng, khi cánh máy bay chao nghiêng, tôi thấy dòng Vltava lấp lánh như gửi lời chào tạm biệt. Ly cocktail Praha uống đã cạn mà hương vị còn đọng mãi. Praha giờ đã xa xôi, cà phê một mình bên dòng sông lộng gió, nghe lại bản giao hưởng Praha và đoản khúc Moldau chợt dâng lên nỗi nhớ khôn nguôi.

Nguyệt Thơ (HNM)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này