Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Đám cưới (28/07/2014)

- Đám này có vẻ đông khách, dễ đến vài trăm người.

- Theo tôi biết thì hôm nay có khoảng 500 khách.

- Ông bà Phương-Hồng mới từ dưới tỉnh lên mấy năm nay mà đã có nhiều người thân quá nhỉ?

- Có gì lạ đâu, bây giờ nhiều hội đoàn, những buổi giao lưu trong cộng đồng xảy ra thường xuyên, từ đó mà quen nhau thôi.

Tiệc cưới cùng với lễ thành hôn của con trai ông bà Phương-Hồng và con gái ông bà Tấn-Hoa được ghi rõ trong thiếp mời, bắt đầu từ 18 giờ. Lúc này đã là 19 giờ. Phòng hôn lễ sáng trưng trong ánh điện. Tiếng nhạc phát ra từ 2 chiếc loa to hòa với tiếng nói chuyện của các nhóm người tạo nên thứ âm thanh đặc biệt, giống như một tổ ong lớn với hàng vạn con ong đang hoạt động. Khách đến dự đám cưới đi vào qua cái cổng vòm cắm nhiều bông hoa giả, những người mới đến đang cùng gia đình nhà đám chụp ảnh. Nhiều dãy bàn còn đến một nửa số ghế chưa có người ngồi.

Mấy vị „bô lão” ngoài 60 tuổi vẫn tự hào là những người đi đúng giờ nhất trong các buổi  gặp gỡ, đang gật gù nói chuyện. Tuổi trẻ bây giờ có nhiều quan niệm bứt phá: „Cần gì phải đến dự đúng giờ” hoặc là „chờ một tí thì đã sao”. Thế nên, không chỉ có đám cưới hay các buổi sinh hoạt hội đồng hương mà ngay cả các buổi biểu diễn ca nhạc đều không thể bắt đầu theo giờ ấn định. Việc chậm trễ khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ đã trở nên thông lệ trong các buổi sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Với đám cưới hôm nay thì có lý do chính đáng vì xe của cô dâu, chú rể đang bị tắc trên đường từ công viên, nơi họ chụp ảnh cưới trở về.

Người ta đã bắt đầu mở những đĩa thức ăn nguội và rót bia mời nhau uống. Một vài người chạy từ bàn này sang bàn kia, tranh thủ bắt tay và „giao lưu” với bạn hữu đã  lâu ngày không có dịp gặp. Tuy vậy, những tiếng ồn ào không có điểm dừng trong hội trường khiến người ta phải gân cổ lên hoặc ghé mồm vào tận tai người khác thì mới nghe thấu được.

Đúng 19 giờ 30 phút, MC của hội hôn yêu cầu ban nhạc ngừng chơi, tiếng nói chuyện của khách dịu đi chút ít. Ông Thọ, người được mệnh danh "Giọng ca vàng cộng đồng" bắt đầu bằng những từ thưa gửi đã được người Việt dùng trong các hội hôn qua nhiều thế hệ. Tiếp theo là những tiếng nổ phát ra từ bánh pháo giả treo gần thùng loa. Tép pháo phát ra những tia lửa diện, bật sáng theo nhịp những tiếng nổ chát chúa. Nửa phút sau, những luồng hơi khí trắng đục được phun ra từ một cái máy đặt bên dưới bánh pháo. Hội trường rộng mênh mông chẳng mấy chốc bị bao trùm bởi màn khói nhân tạo dày đặc. Mọi người sung sướng hình dung lại toàn cảnh đốt pháo trong các đám cưới ngày xưa.

Không khí trong hội trường được khuấy động tiếp tục bởi tiếng MC trầm bổng hòa cùng tiếng nhạc du dương, đưa đoàn người gồm cô dâu, chú rể và gia đình thân quyến tiến vào trung tâm hội trường.

"Trăm năm trong cõi người ta

Vui là đám cưới, buồn là độc thân".

Một "câu Kiều" được lẩy ra để bắt đầu cho một nghi lễ truyền thống. MC nói tiếp:

- Vậy là ngày vui đã đến với Thanh Tùng và Thúy Nga trong ngày hôm nay. Cả Vác-sa-va đang nén lại hơi thở của cuộc sống để chiêm ngưỡng những phút giây trọng đại này. Thay cho lễ gia tiên, cô dâu và chú rể đang cảm động đón nhận từ các bậc sinh thành khay bánh mì, muối và rượu vang, biểu tượng của hạnh phúc và no ấm.

Có tiếng nói nhỏ trong một dãy bàn:

- Hình như theo phong tục của Ba Lan thì cô dâu và chú rể đón nhận bánh mì, muối cùng với rượu vodka hoặc nước khoáng chứ?

Người ngồi bên cạnh trả lời:

- Ôi dào, mình là người Việt Nam mới đến đây hội nhập, mà là hội nhập với cả châu Âu, cả thế giới chứ riêng gì với Ba Lan, thành ra cứ tùy thuộc vào người điều khiển chương trình, miễn là có tí văn hóa Tây cho đúng mốt.

Thay vì thủ tục hôn lên chiếc bánh mỳ và bẻ một miếng nhỏ chấm vào muối để ăn, cô dâu, chú rể chỉ đặt tay lên bánh để chụp ảnh. Đoàn tùy tùng tiếp tục tiến sâu hơn vào bên trong. MC mời tất cả các quan khách đứng dậy cháo đón đôi tân hôn. Những tiếng vỗ tay kéo dài vang lên theo nhịp nhạc.

Lúc này, trong hội tường không còn giữ được im lặng như trước nữa. Người ta ngó nghiêng để nhìn cho rõ cô dâu. Những tiếng thì thào, bình phẩm, nhận xét cứ chày rào rào từ miệng người này qua miệng người khác. Tiếng MC vẫn sang sảng nhưng hình như chẳng ai nghe thấy gì. Vào đến trước khán đài, Cô dâu, chú rể cùng với những người đại diện cho hai họ được xếp đứng thành hàng ngang như dàn hợp ca chuẩn bị biểu diễn. Đúng là họ cũng đang chờ để biểu diễn, bởi lúc này người được gọi là „Chủ hội hôn” đã bắt đầu lên tiếng. Đó là một người đã đứng tuổi, được hy vọng sẽ mang đến nhiều lộc cho đôi tân hôn vì vợ chồng ông có đủ con trai, con gái cùng với cháu đích tôn. Chủ hội hôn điểm qua xuất thân và gia cảnh của cô dâu và chú rể, ông cũng không quên nhắc nhở các cháu từ nay cần yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, luôn để tâm báo hiếu ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông yêu cầu đôi uyên ương đến chào lần lượt bố mẹ chồng và bố mẹ vợ. Những sợi giây chuyền vàng sáng chói được mẹ chồng quàng vào cổ cô dâu. Những hộp sơn son, thiếp vàng đựng đồ châu báu được trao cho đôi vợ chồng trẻ như một món của hồi môn của gia đình nhà vợ. Rồi lần lượt là các bác, các cô, gì, cậu, mợ cũng có những tặng phẩm đáng giá dành riêng cho các cháu. Đúng là „phú quý sinh lễ nghĩa”, chẳng gì thì người ta cũng đang sống ở một đất nước văn minh, giàu có, cho dù cả mấy tháng nay bán hàng đuội thì vẫn có tiếng là Việt kiều đang sống ở Ba Lan.

Ở những dày bàn phía cuối hội trường, người ta phải đứng lên để quan sát. Những chỗ khác, mọi người hò nhau cùng nâng cốc chúc cho hạnh phúc đôi tân hôn. Cho đến khi phía khán đài nhốn nháo bởi những người cầm máy ảnh, ipad chạy qua chạy lại, người ta mới dồn sự chú ý vào tâm điểm của đám cưới. Đây là lúc mà theo như MC vừa nói là: „Thời điểm để bạn bè và các tổ chức hội đoàn mừng cô dâu, chú rể”. Một phong tục tặng hoa, được hình thành từ mấy năm nay cho thấy cộng đồng người Việt tại Ba Lan không phải tầm thường. Bên cạnh những bó hoa của bạn bè tặng cô dâu, chú rể là những lẵng hoa to của các tổ chức, hội đoàn tặng cho các ông bà tân thông gia. Rất nhiều các „nhiếp ảnh gia” chạy vòng bên này qua bên kia để kịp chụp những bức ảnh, kịp đưa lên Facebook ngay đêm nay, khiến cho ai cũng phải trầm trồ.

- Hoa nhiều quá nhỉ.

- Ông bố chú rể là chủ tịch hội đồng hương mà.

- Vừa hôm trước Đại hội nhiệm kì hội đồng hương người ta cũng tặng hoa cho nhau nhiều ơi là nhiều – một bà ngồi bên cạnh thêm vào – mà mỗi lẵng hoa gần 200 zł chứ có ít đâu.

- Người mình trước hết là phải hoành tráng, ở Việt Nam người ta còn  tặng nhau toàn hoa nhập ngoại, mỗi lẵng hoa có đến vài chục triệu đồng, ở đây đã ăn nhằm gì.

Cộng đồng bây giờ đông vui, tuần nào cũng có một vài đám cưới, nếu ai quen biết nhiều, quan hệ rộng thì ăn cỗ cứ như cơm bữa. Các món ăn nóng được nhà hàng mang thêm ra. Nhiều chỗ, các món nguội đã được xơi hết nhẵn vì người ta ăn uống ngay từ khi ngồi vào bàn, trước khi đám cưới bắt đầu cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ở một số bàn, nơi các bà hoặc các ông đã đến tuổi phải kiêng cữ ngồi thì vẫn còn đầy các món ăn. Nộm chân gà thì bị chê là nhiều da, dê tái chanh thì họ bảo trộn 2/3 thịt bò, cái món thịt đỏ này ăn vào làm tăng Cholesteron nhanh lắm. Đúng là „ma chê, cưới trách”, người thì nói sao nhà hàng chậm thế ngồi mãi chẳng có gì ăn, người thì kêu nhà đám đặt toàn những món cũ rích, chẳng cả muốn ăn nữa. Có người lại thông cảm cho nhà hàng vì đám cưới đông người không ai có thể làm vừa lòng tất cả được.

- Hôm trước tôi dự đám cưới của người Ba Lan, chỉ có 50 khách mời thôi, ăn ngon mà lúc nào cũng nóng sốt.

- Tại sao người Việt mình không làm như thế nhỉ?

- Có trời mà biết, tôi chỉ cho rằng do người mình luôn „nặng tình”, „nặng nghĩa” với nhau.

Sau ít phút dành cho việc ăn uống, chương trình văn nghệ bắt đầu. Đám cưới bây giờ sang trọng không kém cạnh ở trong nước. Dàn nhạc „Cầu Vồng” với đầy đủ đàn, trống. MC và các ca sỹ không còn đến „giúp vui” như trước đây, họ được thuê để chuẩn bị cả một chương trình ca nhạc và khiêu vũ phong phú. Quá trình hội nhập của người Việt không phải là rập khuôn theo văn hóa và cách sống của người bản xứ mà là kết hợp giữa Ta và Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Trong đám cưới với nhiều thế hệ và sở thích, sự kết hợp đó mang lại niềm vui bình đẳng cho mỗi người. Khi đã cơm no, rượu say, nhiều người mong đợi cô dâu chú rể đi nhanh đến bàn mình để trao chiếc phong bì rồi ra về. Đối với họ những bài hát lặp lại nhiều lần của các „ca sỹ cộng đồng” hay những điệu khiêu vũ chẳng có gì hấp dẫn. Những người khác lại mong đến thời khắc nhạc khiêu vũ nổi lên để họ được bước ra sàn nhảy. Số này càng ngày càng đông vì phong trào học khiêu vũ đang phát triển mạnh trong cộng đồng.

Chỉ có những người bạn Ba Lan là không có phàn nàn gì. Lần đầu tiên được dự đám cưới của người Việt, mặc dù không hiểu được tiếng nói nhưng họ cảm nhận được nhiều điều mới lạ và hấp dẫn. Và khi nhạc nhẩy nổi lên, họ đã thật sự hòa mình vào không khí của hội hôn.

Xuân Nguyên (Ba Lan) – (nguoibanduong)

 

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này