Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Xuân về nhớ bạn xa (27/02/2014)

Vợ chồng Thanh có cung điền trạch đẹp, trong nước nhà ở trung tâm thành phố, mở mắt ra là thấy Tháp rùa ngay trước mặt, thiên hạ nhiều người chỉ ước ao đời mình có lấy một lần được trông thấy cái Tháp rùa mà khó khăn vô chừng. Ở Praha bên hữu ngạn con sông Vltava chảy vào lòng thành phố, họ lại có một biệt thự không to lắm, nhưng rất sang, quanh nhà trồng cỏ, ngồi trong phòng khách nhìn qua khung cửa sổ là một cái lầu tứ giác lợp ngói nằm giữa vườn gọi là nghinh phong lầu. Mùa đông chả dại gì ra ngồi ngoài đó nhưng mùa hè là chỗ hóng mát tuyệt vời.

Nhà Hoàng Thanh nằm trong lối ngõ sát bên Bốn Mùa. Ra khỏi ngõ có nghĩa là đi trên Bờ Hồ. Cả nước chỉ có một Hồ Gươm thôi, cho nên nó thành thiêng trong lòng người dân nước Việt từ thuở nào xa lắm. Một mảng nước xanh xanh khuất sau tầng tầng cây lá.

Ngày Sài Gòn vừa giải phóng, có ông già Bắc kỳ di cư nói với tôi cứ tháng Một, Chạp là lại phải mò lên Đà Lạt ngắm sương mù để đỡ nhớ quê. Một dạo trong này người ta đã rục rịch toan đắp núi Nùng, đào Hồ Gươm. Nghe chuyện ông Diệm ra lệnh cấm, ông ấy gắt như khỉ gặp mắm tôm, “răng rứa hề”.

Một lần Hoàng Thanh ngồi chung xe khách Nội Bài - Hồ Gươm cùng mấy anh bạn nước ngoài, qua cửa nhà dừng lại xách túi bắt tay. Mấy người kia nhìn anh ngờ vực. Họ hỏi nhà mày ở đây? Gật đầu. Lại hỏi, đây là Hồ Gươm? Lại gật. Dù vậy họ vẫn lưỡng lự không thể tin. Thì ra trước hôm lên máy bay họ đã nghe một chuyện hiếu kỳ, ở Hà Nội bây giờ quanh một cái hồ trung tâm gọi là Hồ Gươm đất đắt hơn đất mặt trăng. Mà không ai chịu bán chỉ lắm người đòi mua. Vậy thì thằng bạn vừa ngồi cạnh mình là một triệu phú thật ư? Quanh cái hồ này liệu có mấy nghìn triệu phú nhỉ?.

Vợ chồng cùng xấp tuổi. Ngày đó con cái các nhà cán bộ cao lại học giỏi, hết chương trình phổ thông thường được chọn gửi sang nước bạn học hành chu đáo. Thanh và Hạnh ngồi tàu liên vận đi một mạch qua Tiệp, họ được đưa về Ceské Budepvice học tiếng, sau một năm lại cùng lên Praha vào đại học, anh vào khoa Điện Kỹ thuật bộ môn điều khiển học Cybernetique, chị vào khoa ngân hàng. Đều là những khoa kén chọn, dốt không vào đã đành mà giỏi cũng chưa chắc.

Rồi tất nhiên là họ đến với nhau. Anh ngỏ lời trong một ngày có tuyết trên Cầu Tình. Chiếc cầu đá đẹp nhất, nổi tiếng khắp châu  Âu, mang tên vua Karel IV, một trong mười tám chiếc trên đoạn sông dài ba mốt cây số chảy qua địa phận Thủ đô, mà người Việt lại thích gọi nó là Cầu Tình.

Đám cưới của họ được tổ chức ở một khách sạn gần nhà, mấy anh bạn của Thanh ở nhạc viện ôm kèn đồng đến thổi toàn những bài ca Hà Nội.

Ăn ở với nhau vừa có thằng Đức thì Thanh lên đường qua Pháp học tiếp. Anh tới Paris làm thạc sĩ, vẫn theo đuổi ngành máy tính. Thế giới tương lai thuộc về cái máy tính. Thiếu nó thì có tai có mắt cũng như mù.

Sớm chiều hai buổi Hạnh đều đặn đến cơ quan, đêm về ôm con ngóng chuông điện thoại chờ nghe tiếng chồng từ xa gọi về. Đợi mỏi mòn rồi cũng về. Vợ chồng lại dính với nhau như vợ chồng nhà sam. Chẳng được bao lâu, đến lúc thằng con cắp sách đi học thì thằng bố lại có quyết định đi Liên Xô vào Viện Hàn lâm Khoa học làm nghiên cứu sinh. Học, học nữa, học mãi, câu nói của Lênin chưa bao giờ cũ. Nghiên cứu vừa xong thì Liên Xô tan rã, tình hình rối mù canh hẹ. Hoàng Thanh lơ ngơ đứng ngã ba đường. Ở lại Nga là không thể, trở về để ngày ngày sớm cắp ô đi tối cắp về thì không muốn. Trong thâm tâm anh đã muốn rời khỏi cái Viện ấy từ lâu, tiếng cả nhà không, ngồi ở đấy bất quá cũng chỉ là để làm một cây cảnh giữa bao nhiêu cây cảnh đã có và sẽ còn có. Vậy thì chốn dung thân mà anh muốn tìm không đâu hơn nước Tiệp, nghĩ đi nghĩ lại vẫn chỉ thấy có nơi ấy là lưu luyến hơn cả.

Thật may đúng lúc ấy Thanh lại nhận được quyết định của Viện cũ ở Hà Nội cho phép rời Matxcơva đến nhận công tác tại Viện Lý thuyết thông tin và Điều khiển tự động thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc. Thật là cầu được ước thấy. Bèn viết lá thư dài bàn bạc với vợ, Hạnh đọc những dòng thư của chồng mà mừng quýnh. Hôm sau mang đến chỗ làm việc hỏi ý kiến hai đứa bạn cùng phòng, đứa bảo có dở hơi mới bỏ đây mà đi, đứa lại bảo bằng giá nào cũng phải bỏ đây mà đi, sang bên ấy làm bồi bàn hoặc quét chợ cũng mát thân. Vậy là cô cầm bút làm đơn xin thôi việc vĩnh viễn. Tháng sau dắt con lên máy bay, gặp chồng và gặp lại Praha là hạnh phúc đời cô, có vậy thôi.

Từ ngày có chợ Sa Pa, Hạnh quay ra buôn quần áo, lúc ở bên này lúc về trong nước, đi lại như con thoi. Thực tiễn nhào nặn xô đẩy người con gái gót chân son thành một doanh nhân có bản sắc cứng cỏi. Đấy là một giá trị tự mình tìm lấy. Sau ngần ấy năm lăn lộn nhìn lại thấy cái an ủi nhất với mình chính là đã có một người chồng trung hậu luôn luôn đứng bên như một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Cô thầm biết ơn anh, đã không ít lần cô gục vào anh mà khóc, buồn khóc vui cũng khóc. Với cô anh là người che chở.

Trong buôn bán tránh sao khỏi công nợ, vốn liếng tránh sao khỏi lúc tụ lúc tán.

Một lần Hạnh bị mất trắng, mất nhỡn tiền mà rồi cũng đành phải ngậm uất ức vào lòng. Tiệp không có biển vẫn phải thuê cảng biển của Đức. Nhiều năm hàng hóa Hạnh đặt từ trong nước gửi sang rất hanh thông, bỗng đâu chuyến hàng lần ấy mắc ở kho cảng không rõ bởi lý do gì, hỏi cũng không ai trả lời. Đang lo lắng thì có người quen ghé tai bảo, chuyện ấy cứ giao toàn bộ giấy tờ và thư ủy nhiệm cho em tôi ở bên này nó lo cho, em gái tôi tiếng tăm giỏi, quan hệ rộng, thông tỏ các ngõ ngách, giao cho nó là yên tâm, chị cứ về bên ấy đợi một vài tháng là có tin. Hạnh mừng như chết đuối vớ được phao, cô giao toàn bộ giấy tờ, kèm theo cả thư ủy nhiệm cho cô em mới gặp. Tháng nào cũng gọi sang hỏi tin tức, lần nào cũng được trả lời là vẫn đang tiến hành các thủ tục. Sắp hết năm vẫn đang tiến hành. Cảm thấy không ổn, có thể bị lừa, Hạnh kéo chồng cùng qua Đức tìm em gái. Em gái sắp đi Ý nghỉ đông, trả lời rất vắn tắt. Hàng của chị em lấy ra được cả nhưng với điều kiện phải bán tại Đức, người ta đã qui định rõ như vậy em đành phải đưa đi các chợ, may là đẩy được hết. Tiền gom về chả được bao nhiêu, các chợ người ta nể mà nhận cho chứ cũng không mặn mà gì. Đành phải bán tống bán tháo để mua quà cho những chỗ người ta giúp mình, ở đời phải biết cảm ơn và xin lỗi chứ chị. Tóm lại chị thì mất chuyến hàng còn em thì mất công đi lại, em cũng chẳng dám gọi điện cho chị sợ chị buồn. Và thế là chào anh chị, em vội.

Hạnh nghe mà thấy lạnh cả xương sống. Lúc đó cô không thấy tiếc của mà chỉ nghẹn lòng uất ức. Con điêu thuyền này nó lừa mình. Sao mình lại ngốc đến thế. Thương trường không phải là chiến trường mà là một ma trận, con này đúng là một con ma, mình đã gặp ma mất rồi.

Ngồi trong xe trở lại Tiệp, nước mắt Hạnh tuôn trào, chiếc khăn tay của cô ướt đầm đìa, cô vứt vào cái túi ôm trước bụng. Thanh ngồi cầm lái lẳng lặng rút trong túi chiếc khăn đưa cho vợ. Khi biết chiếc khăn mình đưa cũng ướt đẫm, anh lại tiếp tục đưa chị hộp giấy lau vốn vẫn để sẵn bên cạnh.

Đến một chỗ vắng có thể dừng anh cho xe dạt vào bãi cỏ dưới mấy cây thông cao vút. Mở cửa xe anh dắt vợ vào ngồi đó, nhìn cô anh cười thật hiền. Cô tấm tức trách, anh lại còn cười được à, cả mấy tấn hàng của em... vậy mà anh cứ đút tay túi quần như một ông hoàng ấy, chả nói hộ được câu nào. Anh đùa, thì anh là Hoàng mà, Thanh chỉ là tên đệm để đằng sau mà thôi.

Như một cái duyên, ít lâu sau ông Hoàng bước vào nghề báo một cách rất tình cờ. Tờ An ninh thế giới của tướng Hữu Ước cử người sang mời anh đứng ra làm đại diện cho phụ trương xuất bản tại Praha. Sáng báo ra bày ở các sạp Hà Nội thì trưa đã thấy rải khắp các hàng quán trong chợ Sa Pa, ít lâu sau nó bay sang cả các chợ Việt ở các xứ sở lân cận. Nhờ vậy mà những người Việt xa quê hương có thêm một khung cửa nhỏ nhìn về. Ngoài ra anh còn được cộng đồng Việt bên này bầu làm người phát ngôn chính thức của họ trong tư cách một Ủy viên Ban chấp hành Hội những người Việt Nam ở Tiệp. Tổ chức báo chí quốc tế tại Tiệp mời anh làm một thành viên. Tưởng chức danh thế đã nhiều, gần đây lại thấy anh vừa được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Séc.

Sắp về nước tôi được vợ chồng Thanh dẫn lên Karlovy Vary, một thành phố du lịch nổi tiếng sau đó sẽ vòng sang phía tây đến Cheb, cửa ngõ biên giới mở sang vùng Dresden. Một chuyến đi không dài nhưng ấn tượng chương trình do họ vạch ra.

Trên đường ghé vào một thị trấn thăm gia đình Hải Quân, yêu biển mà đổi tên thế chứ chưa hề có một ngày trong quân ngũ. Hai mươi tuổi, Hải Quân được gửi sang bên này học tiếng rồi học nghề, làm phiên dịch trong một đội xuất cảng lao động. Lúc tình hình chính trị có nhiều đảo lộn một mình mò lên chỗ này, thấy sống dễ liền thả neo, rồi lấy vợ có con. Cô con gái lớn đang học đại học ở Praha, cô thứ hai ở nhà với bố, vợ về Hà Nội thăm nhà chưa sang. Cô ấy là con gái phố chợ Đồng Xuân nên đảm đang buôn bán. Họ có một cây xăng nằm sâu trong rừng, một cửa hàng bách hóa nho nhỏ dưới phố. Mấy dãy phố với những nếp nhà cổ kính, đường quanh co lát đá khiến khung cảnh rất khơi gợi.

Tuy mới gặp nhưng chỉ sau một đêm chuyện trò tôi thấy mến Quân quá, lúc chia tay tôi ôm lấy anh với bao ấm áp. Đường xa gặp bạn đêm nằm năm ở.

Như một câu chuyện có hậu, đêm hôm sau nghỉ lại trong một khách sạn rất vắng, mùa này Karlovy Vary ít khách.

Vào khoảng trưa chúng tôi vào đến Cheb. Đây là một thị trấn vùng biên, tuy không lớn nhưng lại có đến hai cái chợ người Việt. Mỗi cái một vẻ, một phong cách riêng, có lẽ đó cũng là lý do để nó còn có thể đứng cạnh nhau.

Ông chủ chợ bên kia đi vắng, làm một vòng quanh chợ chúng tôi rút sang bên này. Chợ bên này vừa xây lại, hoành tráng, có bãi xe, có nhà tầng, đầy đủ hệ thống phòng cháy. Chủ chợ bên này là anh Vũ Trọng Tuấn, con rể Hà Bắc, nhưng gốc gác lại là Thái Bình. Bố mẹ già đã được đón lên Hà Nội, dưới quê bây giờ anh còn một xí nghiệp thủy tinh với dây chuyền của Tiệp, chuyên gia cũng là người Tiệp, hàng trăm công nhân vừa học vừa làm. Đồ thủy tinh Tiệp nổi tiếng là đẹp từ chục thế kỷ trước, có thương hiệu khắp các lục địa. Sản phẩm thủy tinh Thái Bình của Tuấn không dám nói là hơn hẳn nhưng cũng có thể ngang ngửa với hàng Thái, hàng Tàu là nhờ có họ hàng với thủy tinh Tiệp.

Trong bữa cơm chiều đặt tại cửa hàng một gia đình Việt, Vũ Tuấn kể với chúng tôi những kỷ niệm rất sâu nặng của anh trên đất này. Anh lớn lên từ đây, yêu nó và nó cũng yêu anh, anh được lãnh đạo và dân chúng thành phố này mến mộ bởi anh đã và đang có những đóng góp tích cực vào đời sống chung của nó. Đã ba tháng nay tôi mới lại được ăn một bữa cơm canh cua đậu rán và cà pháo. Cơm quê nhà, bạn bè quê nhà còn gì sướng hơn. Tuấn Cheb, một gương mặt học trò, trắng trẻo, tươi sáng. Cái bản lĩnh, khát vọng và nghị lực tất cả ẩn trong đôi mắt dịu dàng kia.

Rất muốn nghỉ lại một đêm ở đây để được chuyện trò thêm với Tuấn và anh em, nhưng Thanh và Hạnh giục về. Lan man thế đến bao giờ mới rứt, đời còn dài, nhất định còn trở lại. Bạn ra về hoa hồng nhà tôi đợi bạn trước hiên. Đỗ Vũ con trai bạn tôi là nhà báo Đỗ Cường, người Bắc Giang phóng xe máy đi trước dẫn đường. Ra tới ngã ba gặp đường lớn nó dừng lại, tôi nhảy xuống chia tay thằng cháu, hẹn lần sau hai chú cháu sẽ ngồi với nhau lâu hơn, tôi mừng vì cháu đã trưởng thành nhiều.

Đêm tối sẫm, xe chúng tôi bật đèn xuyên rừng. Như để tất cả không ai được ngủ gật Hoàng Thanh ngồi trước tay lái nhoài người bật nhạc. Trên xe anh bao giờ cũng sẵn nhạc. Hôm nay là những bài ca Hà Nội, Hồ Gươm xanh xanh chiều về thu... Cô Hạnh nói trên nền nhạc, thời sinh viên nhà em có làm mấy bài hát dự hội diễn, mấy lần đều được giải khuyến khích, nghe dở ẹc, em bảo anh ấy tập trung vào học tập, thật ra là em sợ lũ bạn nó giễu thì chết.

Sau một vài bài hát, cũng trên nền nhạc, như đã có lập trình chắc chắn Thanh sẽ kể chuyện, cũng chưa rõ hôm nay sẽ là chuyện gì đây. Anh là người biết kể chuyện, nhiều chuyện chả có gì nghe anh kể vẫn rất cuốn hút. Mấy tháng cùng các anh lang thang, tôi rút ra một nhận xét, ở vùng này có hai ông kể chuyện có duyên nhất. Hai ông họ Trần, đó là Trần Phong dưới Ceské Budejovice và Trần Hoàng Thanh trên Praha. Tôi chợt nhớ Trần Phong và thầm ao ước giá lúc này có anh ở đây thì sẽ là một đêm vui phải biết.

Trần Phong được gửi sang học thợ, vì là người có tiếng Tiệp khá lại thông minh anh được chỉ định làm đội trưởng đội quân lao động trong hãng bia Budvar. Nước Tiệp có hai giếng bia nổi tiếng đó là giếng Plzen và giếng Budvar, được đánh giá là có đẳng cấp trên thị trường bia quốc tế.

Những năm sau này do người Việt đông thêm, đông thêm thì sự phức tạp cũng nhiều thêm, có không ít người đã bị điệu ra hầu tòa. Phải ra đứng trước tòa mà tiếng tăm không có thì khác nào bắt quan tòa rơi vào tình thế hai thằng câm nhìn nhau, đến bố tòa cũng ngao ngán. Để khắc phục khó khăn đó, tòa án Nam Tiệp bèn mời Trần Phong đứng ra làm phiên dịch cho cả hai bên. Anh làm rất tốt công việc này. Cả quan tòa và bị cáo đều tin cậy. Bạn bè gọi anh là luật sư, lý lẽ vững vàng, tâm phục khẩu phục. Có người suýt nữa thì tù oan nay được tha bổng mừng quá muốn biếu Phong chút quà, anh xua tay nói, có gì đâu, tôi chỉ làm đúng phận sự của mình trước luật pháp thôi mà. Nếu bạn quí mến thì hãy kéo mình ra phố ta làm vài vại bia Budvar là đủ.

Ngày cuối của chuyến đi là một ngày có mấy cuộc gặp mang ý nghĩa thủ tục. Từ nhà Trần Phong, hai anh em phóng xe lên Praha. Một sớm nhiều gió, nặng mây, rừng bên đường lác đác những đám lá vàng óng ả. Chớm đông rồi. Trước ngôi nhà thờ nhỏ của một làng Tiệp người đi lại đông, mấy bà vận váy dài khăn len, trẻ con nằm trong xe đẩy chăn hoa phủ ấm. Sực hiểu hôm nay là chủ nhật.

Trần Phong ngồi cầm lái sôi nổi thông báo chương trình chuyến đi, đầu tiên đoàn ta đến chào đồng chí Đại sứ, sau đó đến thăm gia đình anh Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội những người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đồng thời là Chủ chợ Sapa. Nôm na gọi thế chứ văn bản chính thức thì anh ấy được gọi là ông Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Sapa. Cùng tiếp khách hôm nay còn có anh Trịnh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ - Tĩnh, ủy viên chấp hành Hội những người Việt Nam tại Séc. Trong chợ đang có ba quán lớn: Quê Hương, Đông Đô và Little Hà Nội. Hôm nay bày tiệc tại Little Hà Nội, tức là Hà Nội nhỏ. Gọi thế cho dễ thương chứ nó vẫn là một quán hoành tráng, lần sau anh sang rất có thể nó đã được đổi tên là Hoàng Thành, cũng còn nghe láo pháo thế.

Anh Vương Thừa Phong bận nhiều việc, được ngày chủ nhật với gia đình, tôi thấy không nên để anh phải tiếp lâu. Ngồi với nhau một lát tôi đứng lên đi sang gian bên cạnh xin phép thắp nén hương trên bàn thờ Bác Hồ. Anh Phong vui vẻ hẹn sẽ gặp nhau tại Hà Nội. Tôi nói, về nhà mỗi người một việc, anh bận tối mắt, chỉ tôi là có thể phất phơ cho nên nếu có khó gặp lại mà lòng vẫn không quên cũng đủ vui rồi.

Chúng tôi qua sông tìm đường đến nhà Hoàng Đình Thắng, anh hẹn đợi chúng tôi để cùng ra ngoài chợ. Đường đan nhau rối mù bàn cờ, giá phải đi một mình thì lạc là cái chắc. Sau cùng Phong cũng kêu lên bằng giọng khàn cố hữu, đến rồi.

Đấy là một khu giàu có, được xây cất hiện đại, tường rào đẹp, cổng ngõ mỗi nhà một kiểu, chuông treo trên cột, sân vườn rộng, đa số là nhà hai tầng mái lợp ngói đỏ trên nóc nhô lên ống khói lò sưởi, vườn trước vườn sau đều trồng hoa trồng táo. Trước cổng nhà Hoàng Đình Thắng đặt một đôi sư tử đá. Nhà anh nhiều buồng, phòng khách mênh mông, đàn piano đặt gần chỗ có bộ sa lông. Hỏi nhà có ai chơi đàn, Thắng kể, con bé nhà tôi đang học, bà hàng xóm mỗi tuần chạy sang dạy cháu ba lần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Được hôm anh lại thăm thì cô Kiến nhà này lại mang con lên chùa thắp hương, bên này vừa xây được một cái chùa để rằm, mùng một chị em có chỗ tụ họp cầu lộc Phật.

Có ai kể Thắng xuất thân trong một gia đình đông con, cả nhà chỉ có anh là được học hành tử tế. Tốt nghiệp kỹ sư Đại học Bách Khoa anh về làm công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Hóa chất Việt Trì, bên này sông Hồng là quê anh, bên kia sông Hồng là khu trường nơi anh dạy học. Miền Vĩnh Yên trên đồi là làng xóm, dưới chân đồi là ruộng đồng. Cây cối xanh tốt quanh nhà, con gái nhiều cô đẹp mà tốt nết. Vườn nhà trồng cây hồng thì khi đẻ con gái nó là cái Hồng, đẻ đứa nữa sẽ là Bòng, là Thị, bên xóm đông có cụ ông tên là Cọ, dưới xóm tây có cụ bà tên là Mít cũng là bởi thế. Quê mình rừng mít rừng cọ, rừng ổi rừng sim, có muốn đặt tên cho con gái cả huyện cũng thừa sức.

Vào dịp sắp làm lễ khai trường, một hôm ông hiệu trưởng cho mời gấp thầy giáo Thắng lên văn phòng bàn việc. Cầm ngang điếu thuốc cuốn dở đưa lên miệng liếm, ông nói vắn tắt, theo ký kết giữa hai bộ hai nước trường ta phải đứng ra tổ chức một đoàn xuất cảng lao động trong đó có đủ thầy thợ. Lãnh đạo nhất trí đề bạt cậu là trưởng đoàn dẫn anh em đi, làm thằng con trai ở đời phải dám tung hoành ngang dọc, sang đó đoàn kết anh em, động viên tập thể hoàn thành mọi nhiệm vụ bạn trao. Đơn giản chỉ có thế mà không dễ dàng chút nào. Tình hình biến chuyển nhanh quá, phức tạp quá, thôi thì tùy hoàn cảnh, nếu cần phải rời nhau mỗi người mỗi phương thì cũng đành, xưa các cụ nhà ta dặn, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, trông người ta mà sống, sống làm sao để thiên hạ còn nhìn vào. Nhà máy hóa chất giờ bị bỏ hoang vậy thì gọi nhau gồng gánh chợ búa, tưởng là chết đói cả lũ mới phải thế mà rồi hóa phúc lớn, cứ bảo loạn là khổ nhưng xem ra ai cũng vui, bạn vui ta vui chả ai mất gì, chỉ có được. Có anh đủ ăn đủ mặc, có anh thành đại gia tiền chôn không hết. Người ta cho là có loạn âm loạn dương mới đổi được đời.

Đêm nằm không ngủ được, Thắng nghĩ nát nước, kiếm miếng ăn cho vào miệng là việc của mỗi người, khôn thì no mà dại thì đói, chả biết làm thế nào, nhưng phàm đã là người thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể chỉ biết tìm miếng ăn là đủ, còn phải có quan hệ xã hội nó mới ra giống người, đó là cái những người biết nghĩ phải nghĩ cho anh em, phải đứng ra gánh vác, đó cũng vẫn là tinh thần trong câu dặn dò của ông hiệu trưởng ngày nào, đoàn kết anh em, động viên tập thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà bạn yêu cầu. Thắng là người nhạy cảm, có cốt cách gánh vác, có dũng khí đứng mũi chịu sào. Anh là người bình thường như bao người bình thường trước mọi vui buồn nóng lạnh, nhưng nếu nói anh cũng còn là một người hơn người thì sự hơn người chỉ có thể là ở chỗ đó. Giàu chưa hẳn đã đủ để hơn người, hơn ai hết Thắng hiểu thấu điều ấy.

Bữa cơm chia tay ngoài quán Hà Nội nhỏ kéo dài mãi tới khuya. Chia tay mà không thấy buồn, chỉ lưu luyến. Đêm nay Thắng và Thành đều ít lời, chỉ có Trần Phong nói. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở mọi lúc mọi nơi cậu ta luôn luôn biết làm chủ tình hình.

Trên xe lúc ra về Trần Phong hỏi tôi như lục vấn trước tòa, sao tối nay anh kiệm lời vậy, đáng lẽ cũng phải có đôi ba câu mới hay. Tôi bảo, mình sang đây là để lắng nghe các ông nói chứ không phải là không biết nói.

- Theo anh ông Đại sứ của ta là người thế nào?

Tôi nói, gặp là biết ngay đấy là một tri thức, kỹ lưỡng, sâu sắc, mình thích những người như ông ấy.

- Còn với Hoàng Đình Thắng thì sao?

- Thắng là người đang có nhiều ấp ủ nghĩ ngợi, nó là người biết lo cho cái chung đấy. Hôm nay cậu có để ý lúc nó buông chén ngồi tư lự trước chúng ta hay không. Khi nó nói đến quá trình đào thải và khẳng định trong đời sống tôi thấy nó rất sắc sảo. Anh em bên này tìm được một người như thế đứng ra làm đại diện cho mình là rất phải.

- Vậy còn Trịnh Văn Thành cũng xin anh vài nhận xét?

- Mình nghe kể Trịnh Văn Thành quê gốc Thanh Hà - Hà Tĩnh, con trai một cụ giáo làng. Mấy cụ giáo làng tuy sức học chưa cao mà nhân cách thì lại cao, làm gì có chuyện đến dạy con cái người ta mà nhân cách lại thấp được. Đã là con cái những cụ giáo thì thường đều có nề nếp, được răn dạy chu đáo, biết lẽ phải trái, biết điều. Mà đã là người biết điều thì sống ở đâu cũng dễ. Thằng ấy là một đứa quả quyết lúc vào việc nhưng trong sâu thẳm lại là người tình nghĩa.

Nhớ lần mình theo các ông và nó mang tiền quyên góp ở bên này về miền Trung làm từ thiện cho bà con vừa gặp lụt bão, dọc đường ngồi cạnh mình nó hỏi dò, những năm chiến tranh ác liệt đã có lần nào anh qua cung đường Đồng Lộc? Mình gật đầu có đấy, lần ấy qua cái chảo lửa đó mình còn ngồi chuyện trò với mấy cô gái phá bom cả một buổi chiều, nhưng liệu họ có phải là những cô về sau hy sinh và được lập đền thờ không thì thật không rõ lắm, không dám chắc. Dạo ấy chết vô khối, cô nào cũng gan góc mà lại tốt bụng, rất đẹp nữa. Chả hiểu thằng ấy nó hỏi thế là có ý gì hay chỉ vì chợt nghĩ đến quê hương mà hỏi chơi thế thôi. Hẳn là phải nặng lòng lắm. Ở đời người được như Trịnh Văn Thành cũng không nhiều. Tối nay lúc nó bàn về sự chủ động chuẩn bị của mỗi người mỗi nhà trên con đường hội nhập và phát triển mình lắng nghe mà thấy rằng các cậu đã khôn lớn rất nhiều. Nghe đâu thằng Sơn con nó vừa tốt nghiệp đại học ở Singapore cũng sắp sang bên này làm thạc sỹ kinh tế, mình mừng lắm. Đúng là cũng phải có vài thế hệ mới đứng vững được trên một miền đất mới. Trịnh Văn Thành là người sinh ra để đi xa nhìn xa.

- Xin hỏi thật, với riêng anh trong chuyến đi này liệu có gì để anh phải nặng lòng khi ra về?

- Lẽ ra mình không trả lời câu hỏi này nhưng mình lại thấy cũng cần nên thành thật. Có hai người ở đây đã làm mình phải nặng lòng lúc ra về. Một cô dong dỏng cao nước da trắng như trứng gà bóc, cái cổ kiêu kỳ, tiếng nói trong như tiếng chim sớm mai. Một cô nước da nâu, mình vốn ưa nước da ấy. Nét buồn thầm. Cái nhìn như muốn đặt câu hỏi, đôi mắt khôn ngoan biết bao. Nhớ buổi tôi ho sâu sốt nóng nằm bẹp ở Vacsava, mẹ con cô ấy cất công ngồi xe lửa qua đó đón tôi về.

- Vậy anh thấy có cần nhờ tôi nhắn lại gì với họ?

- Không cần nhắn lại gì, những người đàn bà họ hiểu thấu tất cả và chính họ cũng không cần nói gì cả.

Tôi chỉ muốn nói một đôi lời với bạn bè ở lại, cũng chẳng nên xem sự trôi dạt là nặng nề quá, chả có gì phải buồn tủi ở đây, quê nhà là cái gì ta cũng có thể mang đi trong lòng. Phải nói công bằng, người ra đi có cái tủi phận của người ra đi nhưng hình như vẫn có rất nhiều người ở nhà đang thèm khát được trôi dạt như các bạn đấy.

Khi tôi nhìn vào cánh bèo trôi thấy nó có một vẻ mong manh khó tả. Nói có ngọn đèn, chính tôi cũng đang muốn làm một cánh bèo. Theo tôi không những nó là một vẻ đẹp thách thức mà nó còn là một niềm kiêu hãnh, một sự trưởng thành dũng cảm. Nhân loại người ta đã quen với sự trôi dạt từ cả mấy nghìn năm rồi, nói đến kiếp người chính là nói đến sự trôi dạt.

Những năm tháng này, loài người đang làm một cuộc gặp gỡ lớn những trôi dạt, nó đang và sẽ không ngừng trôi dạt

Đỗ Chu (antgct.cand.com.vn)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này